Tăng lãi suất điều hành “hóa giải” nhiều thách thức
NHNN tăng lãi suất điều hành giảm áp lực về tỷ giá và lãi suất trong nước |
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, khi Fed quyết định tăng lãi suất sẽ tạo ra 4 tác động với nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD; tỷ giá cũng sẽ tăng lên do đồng USD tăng; đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ, áp lực cũng bị tăng lên; hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp cũng sẽ xuất hiện, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã có những dự báo về tình hình trên, đồng thời tìm kiếm nhiều giải pháp để phòng ngừa và hóa giải những thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai. Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ diễn ra gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động; điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay sau đó, NHNN đã nghiên cứu và quyết định nâng lãi suất điều hành để thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Mới đây nhất, tối ngày 24/10, quyết định tăng thêm 1%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua NHNN quyết định tăng lãi suất điều hành.
Bình luận về động thái mới nhất của NHNN, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành lần này cho thấy NHNN luôn nhìn nhận phản ứng của thị trường, khi sau lần tăng lãi suất điều hành thứ nhất áp lực lên thị trường vẫn lớn. Tăng lãi suất điều hành là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh.
Thực tế, ngay sau khi lãi suất điều hành được điều chỉnh, tỷ giá USD/VND đã có diễn biến tăng theo chiều tích cực. Hiện, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã nâng mức giá bán USD lên mức kịch trần 24.888 đồng/USD trong sáng ngày 25/10.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)… cũng đã niêm yết chung mức giá bán cao là 24.885 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá quy đổi USD sang VND tại nhóm ngân hàng đều đã tăng xấp xỉ 2.000 đồng, tương đương gần 8%.
Theo các chuyên gia, điều này đã giải quyết nỗi lo lâu nay khi độ chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam đang lớn dần; hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tăng doanh thu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản... Đại diện Công ty Cổ phần May Nam Hà cho biết, đơn vị đang cung cấp các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu, việc tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, bù đắp được phần thâm hụt giữa EUR/VND và cân đối lại bài toán thị trường.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp cho quá trình tăng lãi suất huy động của các ngân hàng từ đầu tháng 10 đến nay thêm thuận lợi. Hiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đang áp dụng mức lãi suất cao nhất thị trường lên tới 5% cho kỳ hạn 3 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) đang áp dụng mức cao nhất trên thị trường là 8,1%/năm… Đà tăng lãi suất huy động còn được ghi nhận ở nhiều kỳ hạn khác, tùy thuộc vào chính sách của các ngân hàng. Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất cao, nhất là những người gửi tiết kiệm không kỳ hạn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tập trung phát triển nguồn tiền gửi không kỳ hạn đang là xu hướng chung của ngành Ngân hàng trong những năm gần đây nên tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhiều ngân hàng đã đạt trên 30% trong tổng huy động vốn, có những ngân hàng đã tiệm cận mức 50%. Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0 giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và có thêm điều kiện giữ ổn định lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động tăng cũng khiến giới chuyên gia đặt ra một vấn đề lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Tuy nhiên, trong định hướng chính sách của Quốc hội, Chính phủ và NHNN đã nhiều lần khẳng định sẽ cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch; tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước…
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.