Tăng tốc chuyển đổi số để đuổi kịp mục tiêu tăng trưởng
“Chuyển đổi số” được xem là “xương sống” và trở thành xu thế không thể cưỡng lại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những bối cảnh bất định của thế giới và cả trong nước.
“Thế giới rất bất định và chúng ta cũng rất bất định. Dự báo tăng trưởng tháng sau đưa ra thấp hơn tháng trước. Như thế cho thấy mục tiêu và khát vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới dự kiến tăng trưởng từ 6% đến 7% để đuổi kịp một số nước là vô cùng khó khăn. Độ chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và khát vọng là quá lớn. Trong tình hình này vai trò của nền kinh tế số là hết sức quan trọng”, GS.TS.Trần Thọ Đạt – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu.
Kết quả nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho rằng, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam góp phần đáng kể vào quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP trong năm 2024.
Theo nghiên cứu này, các DNVVN với mức độ chuyển đổi số cao được hưởng gấp đôi lợi ích về doanh thu và năng suất so với những doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với quá trình chuyển đổi số.
Có 72% DNVVN tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Cũng có 72% số doanh nghiệp cho biết đã nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ.
Chính phủ đã tiên phong và đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các DNVVN tại Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số. Nhưng việc chuyển đổi số của DNVVN cũng đang phải đối mặt với những thách thức vì thiếu công nghệ, thiếu dữ liệu hoạt động, thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng…
Chuyển đổi số không chỉ là khó khăn và thách thức với DNVVN, với doanh nghiệp nội địa. “Ngay cả những tập đoàn đa quốc gia cũng có thể phải trả một giá đắt nếu đưa ra những quyết định sai lầm trong quá trình chuyển đổi số”, bà Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã cho biết tại cuộc hội thảo “Chuyển đổi số trong bối cảnh bất định: Nắm bắt cơ hội – Vượt qua thách thức” tổ chức cuối tuần qua.
Từ mấy năm trước không ít ngân hàng và doanh nghiệp tiên phong đã chuyển đổi số. Nhưng từ đầu năm 2020, với bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã khiến nhiều ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh việc tìm kiếm các giải pháp trong chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động của mình.
Nhưng việc chuyển đổi số và việc thay đổi mô hình kinh doanh hay cách thức vận hành không hề đơn giản.
Theo khảo sát toàn cầu năm 2017 của công ty tư vấn McKinsey, số lượng doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 30%, điều này cho thấy 70% các nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp bị thất bại trong việc đạt được các mục tiêu đề ra.
Trao đổi về chuyển đổi số, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, kinh tế số tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất tại khu vực kinh tế tư nhân. Tiếp đến là khu vực nhà nước, khu vực hợp tác xã và khu vực cá thể. Nhưng bất ngờ là ngành chế biến chế tạo vốn là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, được dẫn dắt bởi khu vực FDI nhưng đóng góp của kinh tế số lại thấp một cách đáng ngạc nhiên.
Những ngành đóng góp vào xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may và da giầy ứng dụng kinh tế số rất thấp. Lĩnh vực ứng dụng cao nhất của Việt Nam đối với kinh tế số là khoa học công nghệ, thông tin truyền thông.
Để tăng tốc chuyển đổi số và chuyển đổi số thành công, để doanh nghiệp không phải trả một giá đắt cho quyết định sai lầm thì cần có chiến lược hành động đồng bộ từ Chính phủ đến doanh nghiệp với 5 yếu tố chính:
Thứ nhất là hoàn thiện chính sách các điều kiện về pháp lý phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới, điều kiện mới, tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh mới.
Thứ hai, đảm bảo hạ tầng kết nối internet tốc độ cao. Dù tỷ lệ dân số tiếp cận internet cao, xấp xỉ 70% nhưng tốc độ đường truyền vẫn còn chậm, kém ổn định và đang thấp hơn nhiều so với Singapore.
Thứ ba, cần có cơ chế ưu đãi riêng cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng thiếu kinh phí và ít quan tâm đến đầu tư công nghệ. Quỹ Hỗ trợ DNVVN cần hành động sớm để có gói giải pháp hỗ trợ đến nhóm này. Quỹ Hỗ trợ DNVVN hứa hẹn là cú hích kích cầu mạnh cho khu vực tiềm năng này.
Thứ tư, là quan tâm sớm đến kỹ năng và an toàn số.
Thứ năm là phía doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình rõ ràng. Doanh nghiệp cần xây dựng, gắn kết chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiết lập cơ chế quản lý, đưa ra các giải pháp, sáng kiến linh hoạt, hiệu quả hơn…
Quá trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Từ năm 2020 đến hết năm 2022 là giai đoạn tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan nhà nước. Giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025 tập trung chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các nguồn lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp đó, trong giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 đến hết năm 2030, chuyển đổi số Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một nền kinh tế số, xã hội số toàn diện. (Theo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng) |