Tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục, phát triển
Thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh cả quy mô và chất lượng |
Sau 22 năm vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Do tác động của dịch Covid-19 và biến động từ tình hình kinh tế, địa chính trị quốc tế cũng như những khó khăn trong nước, năm 2022 VN-Index giảm trong nhiều tháng, nhưng thị trường chứng khoán vẫn là kênh quan trọng, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.
Một năm sóng gió
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc thông qua việc hình thành các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu đã hình thành ba mảng thị trường với quy mô vốn khác nhau là: Sở Giao dịch chứng khoán (Sở Giao dịch chứng khoán) TP. Hồ Chí Minh (thị trường niêm yết đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn từ 120 tỷ đồng trở lên); Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (thị trường niêm yết đối với doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ từ 30 tỷ đồng trở lên); và thị trường đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (hệ thống UPCoM).
Những khó khăn đang tác động tới thị trường sẽ sớm được tháo gỡ, tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục và phát triển |
Tuy nhiên, dưới sự biến động của nhiều yếu tố trong, ngoài nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán các nước. Trong năm 2022, thị trường chứng khoán đã trải qua những phiên điều chỉnh giảm mạnh, bắt đầu từ tháng 4 và tiếp tục nằm trong xu hướng giảm điểm cho tới nay, trong đó có những nhịp phục hồi ngắn hạn vào tháng 5 và tháng 8. Tính đến ngày 26/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 985,11 điểm, giảm 34,24% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt 5,34 triệu tỷ đồng, giảm 31,89% so với cuối năm 2021, tương đương 104,48% GDP của năm 2021.
Tính đến nay thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 860 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.950 nghìn tỷ đồng, tăng 12,14% với cuối năm 2021, tương đương 23,2% GDP. Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 12.133 tỷ đồng/phiên. Tính chung từ đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.620 tỷ đồng/phiên, giảm 22,5% so với bình quân năm 2021.
Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động, với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính chung từ đầu năm đến nay đạt 257.092 hợp đồng/phiên, tăng 36% so với bình quân năm 2021. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 47.625 hợp đồng, tăng 53% so với cuối năm 2021. Khối lượng giao dịch chứng quyền đạt 31,72 triệu chứng quyền/phiên, tăng 49% so với bình quân năm 2021.
Thị trường trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2020 có tốc độ tăng trưởng dư nợ trung bình đạt khoảng 22,1%/năm, đạt 47,83% GDP vào cuối năm 2020, gấp 6,6 lần năm 2011.
Thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 17,08% GDP, gấp 10,2 lần năm 2011 (vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg là 7% GDP vào năm 2020).
“Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hơn 10 năm vừa qua là thị trường có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN (tăng trưởng vốn hóa trên Sở Giao dịch chứng khoán Phillipines (PSE) là 13,3%; Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) là 13,1%; Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) là 10,1%; Sở Giao dịch chứng khoán Malaysia là 5% và Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) là 3,8% trong cùng giai đoạn)”, ông Phạm Hồng Sơn cho biết.
Mục tiêu là ổn định, an toàn, hiệu quả
Nhận định xu hướng thị trường, các chuyên gia chứng khoán cho biết, trong thời gian tới, những áp lực từ lạm phát sẽ tiếp tục khiến mặt bằng lãi suất gia tăng, căng thẳng địa chính trị, cũng như khó khăn từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và năng lượng… dự báo sẽ còn có tác động tiêu cực tới kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung. Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động và biến động tương tự.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn, vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết năm qua đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan. Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian gần đây cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế như, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có giải pháp để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng, kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới.
Việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát vẫn ở mức kiểm soát có thể giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu trong những phiên thị trường giảm mạnh vừa qua. Theo đó, trong năm 2022, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng gần 6.800 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của công chúng đầu tư. Vì thế, kỳ vọng những khó khăn đang tác động tới thị trường sẽ sớm được tháo gỡ, tạo động lực cho thị trường chứng khoán hồi phục và phát triển.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời góp phần hỗ trợ thị trường vận hành ổn định, liên tục, an toàn. Cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, trấn an tâm lý nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã yêu cầu công bố dữ liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán; yêu cầu giải trình các mã tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tục; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh. Mặt khác, cơ quan quản lý đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường. Hiện cơ quan quản lý cũng đang triển khai tích cực các giải pháp để thu hút vốn nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó điểm nhấn là công tác nâng hạng thị trường chứng khoán.
Ông Phạm Hồng Sơn cũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung trên cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; Nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin trên thị trường chứng khoán; Phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của các tổ chức hiệp hội, tổ chức phụ trợ thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán...
“Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.