Thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh cả quy mô và chất lượng
IMF vừa đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 2,7% do suy thoái kinh tế nhẹ ở châu Âu và quá trình mở cửa trở lại đầy gập ghềnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, IMF cho rằng cũng có khả năng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ; đồng thời nhiều quốc gia trong châu Á đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng trong năm tới sẽ có những tác động tích cực với phần còn lại của nền kinh tế thế giới.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, CTCP chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước và bù đắp tác động tiêu cực từ nhu cầu suy yếu ở Mỹ và EU. Cùng với sự mở cửa của nước láng giềng, nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là các nhóm có hoạt động thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như dệt may, thuỷ sản, bán lẻ, cao su, xi măng, gạo…; các ngành hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của giá nguyên vật liệu khi tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi như thép, dầu khí…; các ngành hưởng lợi từ lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại như hàng không, dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng…
Thị trường đang ở trạng thái đặc biệt để có thể mua cổ phiếu với định giá rẻ |
Đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược với quan điểm thị trường chứng khoán có thể phục hồi trong năm 2023. Trong đó, hầu hết đều chung nhận định rằng diễn biến của chỉ số chính sẽ giằng co quanh mốc 1.200-1.300 điểm, xu hướng cũng sẽ biến động khó lường trong nửa đầu năm và thực sự đi lên rõ nét hơn trong nửa cuối năm.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán VnDirect cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm trong những tháng đầu năm 2023, nguyên nhân do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn. Song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và "bài kiểm tra" năng lực thanh toán cho lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.
Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số từ giữa năm 2023 sẽ chắc chắn hơn nhờ các yếu tố như Fed bớt “diều hâu”, lợi nhuận ròng toàn thị trường khởi sắc hơn, Trung Quốc mở cửa trở lại, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất Mỹ… Do đó, VnDirect dự báo VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 - 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 -12,5 lần.
Đối với KBSV, đơn vị này đã đưa ra 2 kịch bản của VN-Index ở thời điểm cuối năm 2023. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo vùng điểm hợp lý của VN-Index thời điểm cuối năm 2023 ở mức 1.240 điểm, tương ứng với mức tăng 8,05% của lợi nhuận sau thuế (EPS) bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX, vùng P/E mục tiêu là 12 lần. Còn ở kịch bản tiêu cực, chỉ số VN-Index được dự báo giảm về mốc 880 điểm cuối 2023 (tương ứng mức giảm EPS 8% và P/E ở mức 10.x).
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa ra 3 kịch bản. Cụ thể, chỉ số có thể hướng đến vùng 1.000 - 1.200 điểm trong kịch bản cơ sở; đạt vùng giá 1.320 điểm (tương đương vùng đỉnh tháng 6 và tháng 8) trong kịch bản tích cực. Còn trong kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy tháng 11/2022 là 873 điểm để hồi phục theo mẫu hình hai đáy (double bottom) trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm.
Công ty Đầu tư FIDT (FIDT Research) nhận định và dự phóng thị trường chứng khoán hồi phục định giá về mức P/B 1,8 lần giữa 2023 và 2 lần cuối 2023. Tương ứng VN-Index sẽ có 2 kịch bản. Đó là chỉ số chính dao động quanh mức 1.195,35 điểm vào giữa năm 2023 và đạt 1.384 điểm vào cuối năm 2023.
Dù đưa ra các kịch bản xấu nhất để dự phòng, song nhìn chung các công ty chứng khoán đều nhận định khả năng xảy ra kịch bản xấu là rất thấp. Đánh giá về năm 2023, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán năm nay sẽ tương đối gập ghềnh, trong đó sẽ có những tháng giao dịch đi ngang, dao động trong biên độ hẹp chỉ từ 10-15 điểm, nhưng chỉ số chính khó có thể trở lại vùng đáy cũ. “Cửa sáng của thị trường chứng khoán cuối năm 2023 là khá rõ. Chúng ta đang ở đáy chu kỳ kinh tế khó khăn, vì vậy xu hướng vận động sau đó chỉ có thể là đi lên”, ông Tuấn khẳng định.
Do đó chiến lược đầu tư năm 2023 là mua vào khi thị trường điều chỉnh, bán ra lúc hưng phấn. Nhà đầu tư dài hạn cũng có thể tranh thủ mua cổ phiếu ở các vùng giá hấp dẫn.
“Quay trở lại thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế khoảng 10 năm trước, tính toán cho thấy nếu bạn đầu tư vào khoảng cuối quý IV/2011 và kiên trì nắm giữ đến hết năm 2013 thì thành quả sẽ rất ấn tượng, nhiều mã bluechips đã tăng bằng lần. Chỉ những thời điểm thế này, với trạng thái đặc biệt như này và các yếu tố hiện hữu cùng thời điểm về dòng tiền, kinh tế vĩ mô thì nhà đầu tư mới có thể mua cổ phiếu với định giá rẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn những cổ phiếu tốt, nền tảng kinh doanh cơ bản”, ông Tuấn khuyến nghị.
Phát biểu khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm mới tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm ngành Chứng khoán thời gian tới: Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách sửa đổi Luật Chứng khoán, các Luật, văn bản có liên quan tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường. Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được phê duyệt, xây dựng một kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư. Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán. “Tôi tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh. |