Tạo thế cân bằng cho kinh tế số
Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế số Tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế trong nền kinh tế số |
Một trong 3 lĩnh vực định hình tương lai
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả để phát triển. Nhờ đó, kinh tế số đã và đang góp sức vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 được xác định là năm phát triển kinh tế số, với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số. Năm 2024, tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt khoảng 19% và năm 2025 dự kiến chiếm trên 20% GDP. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dẫn chứng, nếu như năm 2019, kinh tế số mới đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam khoảng 5% GDP, với 12 tỷ USD, thì đến năm 2023 kinh tế số đóng góp tới 16,5% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 19%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Với tiềm năng lớn như vậy, năm 2024, năm bứt phá trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kinh tế số được kỳ vọng là một trong những động lực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn thu từ kinh tế số hiện mới đang tập trung ở các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch... còn hoạt động sản xuất khác ít có không gian phát triển hơn. Mặt khác, Việt Nam là một quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng tỷ trọng kinh tế số trong nông, lâm nghiệp - thủy sản hiện còn ở mức rất thấp. Những thách thức này một phần đến từ môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu; chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, thống nhất. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên nhưng việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin dữ liệu ở Việt Nam còn yếu, trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
Kinh tế số là một trong 3 lĩnh vực tiên phong định hình tương lai |
Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro
Để duy trì sự tăng trưởng của kinh tế số, Việt Nam cần có nhiều đột phá mới, trong đó tập trung vào những cơ hội đang hiện hữu. Ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của Hãng McKinsey & Company nhận xét, tại Việt Nam, giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng góp phần thúc đẩy kinh tế số; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, được thúc đẩy bởi hạ tầng số. Đây là cơ hội để Việt Nam sử dụng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy năng suất sản xuất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy kỹ năng số làm tăng năng suất lao động, tạo ra không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Nhằm khai thác tốt những cơ hội trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách cởi mở hơn, ví dụ như nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Cải cách thể chế để thu hút đầu tư công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm theo hướng có các chính sách tác động thuận lợi tới môi trường kinh tế kỹ thuật số, cũng như các chính sách thúc đẩy tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số với chi phí hợp lý. Cải cách chính sách thuế và quy định sẽ giúp thu hút đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, quan điểm nhất quán về phát triển kinh tế số là cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro. Phải cởi mở để kiến tạo phát triển kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội, thậm chí là đi tiên phong trong một số lĩnh vực, song cũng rất cần có những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa và xử lý mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích to lớn nhưng cũng có vô số rủi ro tiềm ẩn.