Tết xưa của người Hà Nội
Những năm 9-10 tuổi, tôi cùng bố mẹ và anh chị em ở xóm đê Yên Phụ nghèo khó, hồi đó hai triền đê phần lớn là những mái nhà tranh, đường thì có trải nhựa nhưng khấp khểnh. Vậy mà nghĩ lại, sao hồi đó trong trẻo, vui tươi và sung sướng thế. Hồi chiến tranh, tôi đã viết bài thơ dài, trong đó mở đầu có câu:
Đẹp mãi trong tôi con đường ngoại ô
Gió hồ Tây chạy dọc đê Yên Phụ
Mái tranh nghiêng che khoảng trời mưa lũ
Con sông Hồng sóng vỗ muốn tràn đê…
Đê Yên Phụ nằm giữa hồ Tây và sông Hồng với rất nhiều vòm cây, lại có ao tên là Ao Vả - giờ vẫn còn. Cứ chiều chiều, cả bọn con trai con gái rủ nhau xuống hồ bơi và lặn thi, tay mỗi đứa cầm theo hai cục đá nhỏ gõ dưới nước để gọi nhau, đứa nào thò đầu lên trước là thua - có một trọng tài ngồi trên bờ theo dõi - Đứa nào gõ ba tiếng liền có nghĩa là: “Tao lên đây, ngộp thở quá!”.
Và tất cả hò reo bằng cách gõ liên tục những mảnh đá vào nhau, như một tràng vỗ tay. Và tất cả nhô đầu lên khỏi mặt nước khi biết chắc chắn đứa gõ ba tiếng liền đã lên trước, ngồi làm trọng tài thay cho đứa ngồi ban nãy!
Trò chơi này chúng tôi không biết chán, hôm nào cũng chiều muộn, mặt tái nhợt mới về. Và bố thường chờ sẵn với chiếc roi, chạy ra đón. Nhưng mẹ cũng chạy ra trước, ôm tôi vào lòng rồi đẩy tránh xa bố, giục: “Tắm lại rồi thay quần áo đi con”. Và mẹ quay sang bố; “Con nó mải chơi, đang chết rét kia kìa, ông tha cho nó đi mà”…
Bọn con gái chúng tôi, đứa nào cũng thủ sẵn trong túi sách vở đi học một bộ 10 chiếc que chuyền. Và đứa nào cũng có anh, chị hoặc chính bố mẹ cuốn cho một quả bóng hoặc bằng giẻ rách, hoặc bằng rơm khô, sang nhất là bằng len vụn. Cứ rỗi là xúm nhau chơi chuyền với tiếng hát đồng thanh thật dễ thương:
-Cái mốt, cái mai, con trai, con hến, con nhện chăng tơ, quả mơ quả mận, quả thận-lên bàn đôi! Đôi tôi - đôi chị - đôi cái bị - đôi cành hoa - lên ba - Ba đi xa - ba về gần-ba luống cần - lên bàn tư! Tư ông sư - tư bà vãi - hai lên năm! Năm con tằm năm lên sáu! Sáu lẻ tư - Tư lên bảy-Bảy còn ba-ba lên tám - Tám lẻ đôi - đôi lên chín! Chín lẻ một - một lên mười! Ai qua được cả mười lượt thì tất cả lại hát tiếp: “Chuyền chuyền một, đủ một đôi - Chuyền chuyền hai, hai mắt lác…
Nhưng ít khi có đứa nào đi một lèo thông suốt mà thường chỉ đến bàn năm, bàn sáu là hoặc rơi que chuyền, hoặc không đỡ được bóng, phải nhường cho đứa khác. Trò này bọn con gái bé cũng say sưa lắm, tay mặt nhọ nhem không để ý, cứ lăn lê với bài đồng dao và bộ que chuyền, quả bóng cuộn, chơi mê mải.
Một trò nữa, là chơi ô ăn quan, ba bốn đứa ngồi quanh một “bàn” tự lấy que vạch lên đất có mười ô và hai đầu hình nửa mặt trăng khép kín, rải sỏi loanh quanh sao cho “ăn” được của đứa khác nhiều, là thắng. Trò này mới thật... chân lấm tay bùn, mặt mũi nhọ nhem, mà đầy tiếng cười.
Nhảy dây cũng là một môn thể thao vui thích của cả con gái con trai. Nào nhảy đơn, rồi nhảy kép, nhảy bắt chéo dây, nhảy quay tròn… Ui chao là vui. Nhưng vui thích nhất, phải nói đó là trò Rồng rắn lên mây. Một đoàn khoảng trên dưới mười đứa, ôm lưng nhau vừa rồng rắn đi vòng vừa hát đồng thanh: “Rồng rắn lên mây - có cây lúc lác, có nhà điểm binh, ông trốn bà rình, đuổi nhau chí chết”… Tiếng cười như nắc nẻ.
Phải nói trò chơi nào cũng vui, cũng làm chúng tôi say mê quên cả giờ về. Và đi trốn đi tìm là trò ưa thích nhất, không cần đám sỏi, không cần que chuyền, chẳng cần hát đồng dao, chẳng cần trọng tài. Chỉ cần có hai đứa trở lên là chơi chỗ nào cũng được. Đứa nhắm mắt chờ các bạn trốn xong sẽ đi tìm thì luôn bị bắt bẻ: “Cấm ty hý. Nhắm tịt vào. Một, hai ba, xong”. Thế là hắn mở mắt, trợn trừng nhìn quanh và xô lại cánh cửa khép, trong khi các phía khác chạy ùa ra: “Đây cơ mà” Hắn vội vàng quay lại. Thế là tên nấp sau cánh cửa xồ ra: “Ê-ê. Thoát roài!”. Cười bằng chết.
Nhà chúng tôi ở trên đê, một bên là sông Hồng, một bên là hồ Tây, nên những ngày trở trời, tôm nóng, dạt cả vào bờ, gọi là tôm úi, cả bọn hò nhau sáng sớm mang rổ đi bắt tôm. Những con tôm nhảy tanh tách, mình cong như dấu hỏi, tươi rói, lần lượt bị chúng tôi lùa vào rổ. Hôm ấy, cả xóm thơm lừng mùi tôm rang gừng.
Lại còn trò đi câu cá dầu, cũng ven hồ. Thả cái cần câu xuống mặt nước, đầu mũi câu là một hạt cơm hoặc mẩu giun đất, chờ một lát, thấy cần câu nhấp nháy là giật lên. Một con cá trắng tinh, bé xíu đã cắn câu, bị gỡ cho vào giỏ. Đây cũng là trò chơi mà tôi thường vừa trông em vừa mê mải thả câu, có hôm mang về… hàng ký. Mẹ rút ruột, rán vàng, ăn ngon chưa từng thấy.
Những tối sáng trăng, bọn trẻ con 9 - 10 tuổi mặc các anh chị hò hát, chơi đàn, tập võ, cứ rủ nhau mê mải nu na nu nống với lời hát say sưa: Nu na nu nống - đánh trống phất cờ - mở hội thi đua - thi chân đẹp đẽ - chân ai sạch sẽ - gót đỏ hồng hào - Không bẩn tý nào - Được vào đánh trống tùng tùng tùng tùng…
Có những ngày chủ nhật chúng tôi rủ nhau bồng em ra bãi ngoài sông Hồng, bạt ngàn ngô, mía. Mỗi đứa bẻ một bắp, chỉ một bắp thôi, mang ra bờ sông nhóm lửa nướng ngô bẻ ra chia nhau. Chao ôi là thơm, chao ôi là ngọt. Chúng tôi khẽ khêu từng hạt bón cho em và cho bạn, cùng cười như nắc nẻ. Hình như đã có một quy định chung của xóm bãi:
Trẻ con bẻ ngô ăn chơi thì không ai cấm. Kể cả mía, bẻ hẳn một cây ăn với nhau cũng không sao. Có khi chủ nhà bắt gặp, còn lấy dao chặt thêm cho cây nữa, rồi dóc vỏ hẳn hoi… Ôi tuổi thơ quý hóa, đầy niềm vui và tiếng cười, đầy hương hoa sen, hoa móng rồng, hoa duối, và mùi thơm ngô nướng, mùi thơm của ngọn gió phóng khoáng sông Hồng.
Tuổi thơ của tôi giờ đã xa tít tắp. Chỉ thương các bé ngày nay, vẫn ở đê Yên Phụ hoặc các xóm nghèo và các bé ở nhà cao tầng hay biệt thự, tất cả chẳng còn bé nào được hưởng những niềm vui thơ trẻ, trong trẻo và mến thương như chúng tôi xưa.
Những trò chơi trẻ thơ vui tươi ấy, mỗi dịp Tết đến lại rộn ràng sân đình Yên Phụ và dọc đê sông Hồng suốt từ áp Tết đến ra giêng.