Tháng 6 ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao
Cơ hội kinh doanh quay trở lại, doanh nghiệp thành lập mới bật tăng |
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng tích cực
Cụ thể, tháng 6/2023 có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2023 là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, trong tháng ghi nhận có 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 113 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong tháng 6/2023, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; 5.749 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022; 1.482 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận khoảng 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17,6 nghìn doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19 nghìn doanh nghiệp).
Các số liệu trên cho những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn.
Vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện khá rõ ở vốn kinh doanh và tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).
Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 942.648 tỷ đồng và năm 2022 là 882.122 tỷ đồng).
Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Cùng với đó, số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối. Chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14-15%).
Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, nguyên nhân của việc tín dụng tăng trưởng chậm là do doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chậm khôi phục.
Do vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Báo cáo cũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%), trong khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực). Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).