Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước
Thành quả kinh tế có đóng góp lớn từ cộng đồng doanh nghiệp
Trình bày báo cáo trung tâm về tình hình phát triển doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2023, hơn 183 nghìn doanh nghiệp đã gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Với đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cho thấy lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, với nhiều kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước ước đạt 85,1% dự toán; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, với xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD... Đặc biệt, sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những thành tựu này có sự đóng góp lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Trong thời gian qua, với tinh thần kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn mang tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược.
Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn có khả năng dẫn dắt các chuỗi cung ứng vẫn còn ít. Khả năng liên kết, hợp tác và tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa cao. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, dẫn đến những vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chưa được triển khai kịp thời; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Thế giới hiện nay chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới và thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại… Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường
Trong bối cảnh đó, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gợi mở một số định hướng và giải pháp để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát và sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tế, tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. “Cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; có cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc; tiếp tục tăng cường kết nối mạng lưới nhân tài, tri thức người Việt ở trong và ngoài nước. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt nam hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.
Với những nỗ lực và sự quan tâm từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng đất nước tự chủ và hùng cường.