Thanh toán bằng thẻ dần thay thế cho tiền mặt
Thanh toán bằng thẻ dần thay thế cho tiền mặt |
Giao dịch qua thẻ tăng mạnh
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng. Ngân hàng đưa ra các trải nghiệm về hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới.
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code),... song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng tích cực triển khai giải pháp phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) gắn với những phương thức phi truyền thống.
Tính đến tháng 7 năm nay, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021) với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC. Giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch, đến tháng 7, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
Theo các chuyên gia, điểm nổi bật của hệ sinh thái thanh toán thẻ thời gian qua là thẻ tín dụng nội địa. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, các loại thẻ này được NAPAS phối hợp với các ngân hàng và công ty tài chính phát hành tại Việt Nam triển khai từ đầu năm 2021. Tính đến hiện tại, đơn vị đã triển khai thẻ tín dụng nội địa đến 15 tổ chức thành viên, trong đó có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính với số lượng thẻ tín dụng nội địa, đến tháng 8 năm nay đang lưu hành khoảng hơn 800.000 thẻ tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Là một trong số những ngân hàng tiên phong về thẻ và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng này đã ban hành thẻ vật lý VCB Digicard, số hóa hoàn toàn, thực hiện đăng ký, sử dụng ngay trên ứng dụng VCB Digibank, tích hợp thẻ với thiết bị di động. Sau khi đăng ký trên ứng dụng, khách hàng có thể sử dụng thanh toán bằng thẻ phi vật lý trên ứng dụng. Dịch vụ này nhận được dự đón nhận của rất mạnh mẽ của khách hàng trẻ.
Với các trường đại học, nhà băng này cũng có chương trình thẻ liên kết thẻ đồng thương hiệu. Hiện, Vietcombank đang nghiên cứu, cho ra mắt sản phẩm mới trong hệ sinh thái, như tài khoản nhóm cho bạn bè đồng nghiệp, đi ăn, đi du lịch, xem phim theo nhóm. Thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ thay đổi, thiết kế lại trải nghiệm người dùng, kênh số thân thiện hơn với khách hàng, năng động trẻ trung dành cho nhóm khách hàng Young Professional.
Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông Lê Anh Dũng cho biết NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Riêng với thị trường thẻ, NHNN sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về thủ tục phát hành thẻ, định danh khách hàng qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đối tượng tham gia vào hoạt động thanh toán thẻ và các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ. Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, gia tăng các dịch vụ trên thẻ như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC).
Đồng thời, NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN với Bộ Công an và các đơn vị liên quan để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, đồng thời nghiên cứu cập nhật triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh trong hoạt động thanh toán.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, ông Lê Anh Dũng khẳng định: “NHNN cần có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan góp phần hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội không tiền mặt”.
Bàn về xu hướng sử dụng thẻ trong thời gian tới, thẻ tín dụng nội địa là dòng thẻ “quốc dân” giúp nhóm yếu thế tiếp cận một khoản vay với chính sách thuận tiện, cho phép sử dụng thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán trong giao thông công cộng, rút tiền/chi tiêu... Đây là sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, hỗ trợ phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế.
“Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục triển khai mở rộng các đơn vị tham gia phát hành thẻ và triển khai các chương trình ưu đãi khuyến khích thói quen chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa của người dân”, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vai trò truyền thông chính sách, phổ cập giáo dục tài chính là rất quan trọng. Bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), cho biết công tác truyền thông ngành Ngân hàng tiếp tục được triển khai trên toàn hệ thống, với sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, nội dung sẽ bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, đến thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng, trong đó có thanh toán thẻ…
Cách thức truyền thông sẽ ngày càng đa dạng, trong đó có ứng dụng công nghệ và các nền tảng mảng xã hội để tăng tính lan tỏa, đồng thời vẫn đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ vận dụng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng. Truyền thông đảm bảo cung cấp thông tin minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng, sáng tạo, đổi mới như thông qua diễn đàn, triển lãm, phát hành sách…
Không chỉ NHNN mà hệ thống NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, đơn vị báo chí trong ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông; đồng thời phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí, tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương, Ủy ban dân tộc và miền núi… truyền thông về tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, kỹ năng sử dụng các phương thức thanh toán mới nói riêng và dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung, hướng đến đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn… Qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy tài chính toàn diện, đóng góp chung vào sự phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, bà Kim Lan Anh cho biết.