Thanh toán không dùng tiền mặt: Cần các giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Đa số ý kiến đánh giá cao Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt | |
Hạn chế giao dịch tiền mặt để ngừa virus Corona |
Các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt |
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa tìm ra những gợi mở chính sách nhằm thúc đẩy chủ trương lớn này diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng TTKDTM tại Việt Nam?
Như chúng ta thấy, TTKDTM không chỉ là chủ trương lớn của Chính phủ mà nó là xu hướng lớn của thế giới. Các ngân hàng trên thế giới đã đi trước chúng ta khá xa về dịch vụ thanh toán và đặc biệt là TTKDTM. Ai cũng biết, TTKDTM tạo ra lợi thế rất lớn, làm cho đồng tiền được sử dụng có hiệu quả hơn, dòng luân chuyển tiền tệ nhanh hơn, an toàn hơn và hạn chế được những tiêu cực về tham nhũng, rửa tiền, các hoạt động tài chính phi chính thức…
Tại Việt Nam, trong 4 năm qua, tỷ lệ thanh toán dùng tiền mặt giảm được đâu đó khoảng hơn 3% từ 11% giảm xuống còn 7,8%. Một số NHTM đã bắt đầu đầu tư phát triển ngân hàng số, hình thành các hệ sinh thái để vừa phát triển dịch vụ mới, vừa thúc đẩy tiến độ TTKDTM nhanh hơn. Hàng loạt các công ty Fintech, trong đó có 5 - 6 công ty lớn đang hoạt động hiệu quả góp phần tích cực giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, so với các nước cùng khu vực, Việt Nam vẫn còn đi chậm hơn trong thúc đẩy TTKDTM. Chúng tôi đã khảo sát tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thanh toán dùng tiền mặt tuy có giảm hơn so với trước đây, nhưng chưa có bước đột phá. Còn khu vực buôn bán lẻ từ ngoại thành vào thành phố, hộ gia đình, tiểu thương nhất là ở nông thôn… hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn sử dụng nhiều.
Nguyên nhân nào khiến thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn nhiều, thưa ông?
Có rất nhiều lý do. Nguyên nhân lớn nhất là nền kinh tế phi chính thức hoạt động khá lớn. Có thể thấy thực tế, doanh nghiệp, người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ rất ngại sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi làm như vậy không giấu được doanh thu, đồng nghĩa họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, họ vẫn lựa chọn hình thức thanh toán truyền thống để trốn được thuế…
Cản trở thứ hai là văn hóa của công chúng, khi trong túi không có tiền mặt thì không yên tâm. Trở ngại thứ ba là thu nhập của dân cư Việt Nam còn rất thấp. Người dân phải phân các nguồn thu nhập nhỏ đó ra rất nhiều món để chi tiêu hàng ngày. Chính vì vậy, họ cảm thấy khá bất tiện khi phải sử dụng nhiều phương tiện thanh toán khác nhau. Chưa kể, có bộ phận người dân nhất định cảm thấy nếu không dùng tiền mặt thì họ không sử dụng vào một số mục đích cá nhân mang tính nhạy cảm như hối lộ... Do vậy, họ muốn duy trì tỷ lệ tiền mặt nhất định nào đó.
Ngoài ra, còn nhiều lý do khác đó là chính sách khuyến khích cũng như cơ chế phạt đều chưa có hoặc chưa đủ mạnh. Vốn liếng để đầu tư vào công nghệ của Fintech, ngân hàng hạn hẹp. Đối với các công ty Fintech, các trung gian thanh toán, họ cần có khoản đầu tư lớn vào các thiết bị có thể giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt như hệ thống QR Code… đặt ở các siêu thị, chợ bán lẻ tập trung, các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng… Chưa kể, họ còn phải đầu tư vào nguồn nhân lực cũng khá tốn kém.
Vậy thời gian tới, chúng ta nên có những giải pháp nào để thúc đẩy lộ trình TTKDTM đi nhanh hơn, có sức lan tỏa mạnh hơn, thưa ông?
Có rất nhiều việc cần phải giải quyết cả về văn hóa, tài chính, kinh tế, thuế khóa, công nghệ, vốn đầu tư, pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng đẩy nhanh số hóa nền kinh tế. Tôi cho rằng, ngân hàng giữ vai trò trọng tâm. Bởi ngân hàng là đơn vị hoạt động kinh tế có khả năng số hóa nhanh nhất. Khảo sát gần đây của chúng tôi cho thấy mới chỉ vài ngân hàng xây dựng được hệ sinh thái ngân hàng số, nhưng cũng chỉ là hệ sinh thái đơn giản. Điều này cho thấy ngân hàng mới đang tiến những bước đầu tiên vào con đường số hóa. Thời gian tới các ngân hàng cần phải cải thiện vấn đề này mới kỳ vọng đẩy nhanh TTKDTM, mặt khác đây cũng là một nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược ngành Ngân hàng.
Để làm được điều này, sắp tới ngành Ngân hàng nên thiết kế lại đưa hệ thống module mạnh hơn về số hóa ngân hàng. Một mặt vừa làm tăng hiệu quả của các công cụ thanh toán, mặt khác giảm chi phí hoạt động ngân hàng, đặc biệt là chi phí về mặt nhân sự… Cuối cùng các ngân hàng phải xây dựng theo xu hướng ngân hàng dữ liệu lớn – Big Data. Có như vậy, mới đủ khả năng hình thành được thêm các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, robot vào hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng hoạt động của ngành Ngân hàng.
Vấn đề cải thiện nền tảng pháp lý cần phải được chú trọng hơn. Chúng ta có các chính sách mở cửa thị trường thanh toán, song cơ sở pháp lý về số hoá nền kinh tế còn khá trống vắng. Chẳng hạn, toàn bộ nền tảng pháp lý về thanh toán tự động là chưa có. Hiện mới có thanh toán bù trừ liên ngân hàng, còn thanh toán bù trừ tự động là chưa có. Ngoài ra, cũng chưa có quy định với những loại thanh toán nào thì phải TTKDTM, kèm theo đó phải có những chế tài…
Để đẩy nhanh tiến độ TTKDTM, theo tôi, ngoài nỗ lực của ngân hàng, Fintech, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thuế để khuyến khích TTKDTM cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện tại, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ đang sử dụng cơ chế thuế đàm phán, giờ muốn họ chuyển sang thuế công khai… thì phải có chính sách khuyến khích như giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp… đảm bảo chênh lệch nộp thuế không đáng kể. Sau khi mọi thứ dần dần đi vào quy củ, cơ quan quản lý kiểm soát và có chế tài xử phạt đối với những người vi phạm liên quan đến thuế. Còn nếu để như hiện nay họ thấy rằng lợi ích của việc trốn thuế cao hơn lợi ích của TTKDTM thì họ vẫn tiếp tục giấu giếm doanh thu. Đó là một trong những trở ngại lớn nhất.
Ngoài ra, chúng ta nên nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước có công cụ kích thích về TTKDTM như giảm trừ cho các khoản TTKDTM với một tỷ lệ chiết khấu nhất định. Khi đó các trung tâm thanh toán tiết kiệm được chi phí, đẩy nhanh doanh số thì họ mới tích cực tham gia hoạt động này. Về các chính sách mở cửa thị trường thanh toán, sẽ không chỉ đơn thuần là cấp phép mà còn phải xem các tổ chức sử dụng công nghệ gì, có ích cho hệ thống thanh toán của quốc gia hay không thì mới cấp phép.
Điều quan trọng nữa là nhận thức, hành động từ phía các cơ quan quản lý, ngân hàng, đến khách hàng cần phải đồng hành với quá trình số hoá thì thúc đẩy TTKDTM mới có thể đạt được như kỳ vọng. Đây là những vấn đề cần phải khắc phục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!