Thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống
Ngày thẻ Việt Nam 2023: Lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Bứt phá giới hạn” Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Thanh toán bằng thẻ dần thay thế cho tiền mặt |
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo. |
Sự kiện là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023, được Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của NHNN. Hội thảo hướng tới việc đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu ra các rào cản và giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy và đưa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ vào cuộc sống. Đồng thời nhận định xu hướng thanh toán tương lai góp phần xây dựng cơ sở tiếp nhận các kỹ thuật mới trong hoạt động thanh toán.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày của người dân.
Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật. Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao, đặc biệt là số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng, Phó Thống đốc chia sẻ.
Theo đánh giá, thị trường thẻ Việt Nam những năm qua có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến tháng 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai).
Toàn cảnh Hội thảo |
Để đạt được những thành tựu trên, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, quy định pháp luật về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ khá đầy đủ. Hoạt động thẻ đã và đang được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (đã sửa đổi, bổ sung)...
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, theo các chuyên gia, truyền thông giáo dục tài chính chính là một trong những cột trụ quan trọng nhằm giúp người dân hiểu đúng, hành động đúng, qua đó thay đổi nhận thức, thói quen của dân trong tiếp cận dịch vụ tài chính chính nói chung và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, qua đó góp phần thực hiện hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các Đề án của Chính phủ.
Đối với hoạt động thẻ, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, thẻ là một công cụ để giải quyết được vấn đề sự cần thiết về tài chính trước mắt để làm sao người dân có thể sử dụng bằng dịch vụ trong một thời gian nhất định được miễn lãi. Nhiệm vụ của truyền thông là hiểu về các tiện ích thẻ nói riêng và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, trong đó có thẻ tín dụng; hướng dẫn kỹ năng sử dụng thẻ an toàn, hiệu quả, các kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản thông tin… giúp người dân hiểu được cách bảo vệ “tay hòm chìa khóa” của mình.
Dẫu vậy, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với số lượng thẻ quốc tế, thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam còn khiêm tốn dù còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, thông qua Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn mong muốn nghe thêm khó khăn, vướng mắc trong phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa, để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Bàn về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và hoạt động thanh toán thẻ nói riêng, ông Phạm Anh Tuấn cho biết về hành lang pháp lý, Vụ Thanh toán đang xin ý kiến vụ, cục của NHNN và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện thông tư về hoạt động thẻ, trong đó có việc mở thẻ theo hình thức eKYC bằng căn cước gắn chíp.
NHNN đang rà soát, tiến tới xây dựng hệ sinh thái số trong ngành Ngân hàng để tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; phát triển dịch vụ dựa trên công nghệ mới như thanh toán không tiếp xúc, QR Code. Về dịch vụ công, NHNN cùng các đơn vị thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công, đặc biệt thu ngân sách nhà nước, giáo dục, y tế.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Thúy Sen cũng cho biết trong thời gian tới, đối tượng mà truyền thông giáo dục tài chính hướng tới tiếp tục là cộng đồng rộng rãi, trong đó chú ý đến học sinh, sinh viên, giới trẻ, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người chưa có tài khoản ngân hàng... bằng nhiều giải pháp đa dạng, có tính lan tỏa, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để người dân có kiến thức tài chính, giảm thiểu rủi ro khi dùng dịch vụ tài chính; tiếp tục phối hợp các cơ quan, báo chí, hiệp hội, ngành nghề... tăng cường truyền thông tin giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam.
Dù bằng giải pháp nào thì việc "đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật trong thanh toán; kiểm tra giám sát chú trọng an toàn bảo mật, lấy quyền lợi của khách hàng là trên hết", Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định.
Chia sẻ nguyên nhân hướng đến nhóm khách hàng là giới trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Vietcombank chọn hướng đi thuận tiện, an toàn, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế; phát triển thẻ phi vật lý, sử dụng thanh toán tích hợp vào điện thoại di động để khách hàng phát hành thẻ phi vật lý trong vài giây. Đây là xu hướng thu hút của giới trẻ ưa thích, nhanh, tiện lợi. |