Tháo gỡ và nâng cao hiệu quả cung ứng vốn cho hợp tác xã
Qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nhiều tồn tại, bất cập cần giải quyết
Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Dẫn chứng điều này, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến nay có trên 40 TCTD tham gia cho vay kinh tế tập thể, HTX. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung ở nhóm các NHTM nhà nước chiếm trên 70%; nhóm NHTM cổ phần chiếm 19%; nhóm khác (ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng Nhân dân) chiếm 11%.
Về phân loại đối tượng cho vay, dư nợ cho vay các HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 52%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX giao thông, vận tải chiếm 15%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 13%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX xây dựng chiếm 9,7%; dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX trong các lĩnh vực khác và cho vay tổ tổ hợp tác chiếm 10,3%.
Về thời hạn cho vay, vay vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), vay trung và dài hạn (33%).
Bà Phạm Thị Thanh Tùng đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao.
Thứ nhất, nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động yếu kém, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; chưa chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức, thiếu vốn tự có, không có tài sản bảo đảm; thiếu công khai, minh bạch về tài chính, kế toán, thiếu tài sản bảo đảm,... nên chưa đủ cơ sở để các TCTD thẩm định quyết định cho vay.
Thứ hai, quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết, chưa tạo động lực cho các thành viên tham gia vào HTX, nhiều thành viên của HTX tự vay vốn tại các TCTD phục vụ sản xuất kinh doanh, mua các nguyên vật liệu đầu vào thay vì thông qua HTX.
Thứ ba, một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đại diện Agribank chỉ ra nguyên nhân dẫn tới dư nợ tín dụng cho vay HTX vẫn còn hạn chế là do nhiều HTX chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký vốn, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đối tượng vay là HTX chứa đựng nhiều rủi ro, chưa có tính liên kết.
Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho rằng, thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các TCTD. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng đa số các HTX không tiếp cận được với nguồn vốn của các TCTD.
Ông Bằng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định nhằm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng điều kiện là các HTX phải có tài sản bảo đảm thế chấp, trong khi các HTX đa số không có tài sản thế chấp.
Đại diện HTX Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì cũng cho biết thêm, các HTX cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn vì đầu tư chưa bài bản; thiếu vốn đầu tư công nghệ mở rộng sản xuất kinh doanh; thiếu dòng tiền quay vòng cho chu kỳ sản xuất và dự trữ các nguyên vật liệu; thiếu đất sản xuất (hiện nay đa số các HTX đi thuê đất để hoạt động là chính, rất ít HTX được giao đất)…
Chăn nuôi bò sữa tại HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì. |
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã
Để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD, ông Phạm Công Bằng cho rằng, các TCTD tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Chính phủ và NHNN nhằm hỗ trợ tín dụng cho hoạt động HTX, vận dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện để các HTX được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp. Cùng với đó, xem xét và từng bước mở rộng cho vay đối với các HTX thuộc diện trung bình hoạt động trên 5 lĩnh vực ưu tiên theo cơ chế hiện hành của Nhà nước.
Đại diện Agribank đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổỉ Luật HTX 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho HTX; bổ sung các chính sách bảo hiểm cho HTX và thành viên; đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước….
Với Chính phủ và bộ, ngành, đại diện Agribank đề nghị cần thí điểm và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả phù hợp với các điều kiện vùng, miền địa phương; vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX; tập trung tháo gỡ khó khăn để các HTX yếu kém củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường đầu tư của nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt.
Còn theo TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để hỗ trợ tài chính cho HTX hình thành và phát triển, Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi… hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính. Các HTX vay vốn từ các TCTD bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
NHNN cho biết, sẽ rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể.
NHNN cũng đề nghị các TCTD cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.
"Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định, để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng, được xem là nhân tố quan trọng. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho HTX; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với loại hình này, từ đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.