Thẻ tín dụng thương hiệu Việt - giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam |
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo |
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa
Theo Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dich vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Theo đó, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31.12.2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, qua các ý kiến tại hội thảo chúng ta có thể khẳng định vai trò của thẻ tín dụng nội địa. Phó Thống đốc đề nghị, trong thời gian tới, các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa cụ thể như sau: Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa. Hai là, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình. Ba là, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị phát hành thẻ và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. |
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc NAPAS cho biết, bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS hiện đã và đang phối hợp với các tổ chức phát hành các loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Cụ thể như Agribank phối hợp với NAPAS phát hành thẻ đa ứng dụng (ghi nợ và tín dụng) Lộc Việt. Thẻ kép là thẻ được phát hành với 2 chip trên thẻ bao gồm 1 chip dùng cho thanh toán bằng tính năng tín dụng (Credit), 1 chip dùng cho tính năng ghi nợ (Debit). Vietinbank là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ kép với sản phẩm thẻ 2Card. Thẻ đồng thương hiệu là loại hình thẻ tín dụng hợp tác phát hành với các nhãn hàng, thương hiệu lớn cung cấp ưu đãi đặc quyền dành cho chủ thẻ tín dụng NAPAS như thẻ Vietcapital Bank Shop On.
Thẻ tín dụng NAPAS phát hành bởi các tổ chức tín dụng tiêu dùng. Thẻ tín dụng nội địa là kênh giải ngân hiệu quả, giúp đẩy lùi tín dụng đen và đặc biệt hiệu quả đối với các công ty tài chính. Hiện nay, VietCredit đã phát hành thẻ tín dụng NAPAS và sẽ mở rộng các tổ chức phát hành trong thời gian sắp tới.
"Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng toàn diện nhu cầu sử dụng thẻ trong các hoạt động thanh toán của người dân Việt Nam. Chủ thẻ tín dụng nội địa bên cạnh các tích năng vượt trội sẽ được hưởng các ưu đãi đặc quyền cung cấp bởi NAPAS và các ngân hàng góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng thẻ tín dụng, đẩy mạnh doanh số sử dụng thẻ và góp phần vào thành công của định hướng Xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam", Phó tổng giám đốc NAPAS nói.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng (ngồi giữa) và Lãnh đạo Vụ Thanh toán, NAPAS chủ trì hội thảo |
Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng. Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.
Lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng thương hiệu Việt
Mặc dù tiềm năng và thực sự hữu ích nhưng thẻ tín dụng nội địa hiện nay vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dân và chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam.
Với mục tiêu phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện cho mọi người dân và đẩy lùi tín dụng phi chính thức, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa được các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế đánh giá là giải pháp cần thiết trong thời gian tới.
Phó Vụ trưởng Lê Văn Tuyên cho rằng, lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng và cần đẩy mạnh, phát triển sâu rộng trong thời gian tới.
Thứ nhất, về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điển tử trong nước, đóng bảo hiểm… Nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các TCPHT khai phá.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chỉ ra một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Có thể kể ra như: thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của TCPHT. Qua đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các TCPHT, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
"Việc NHNN ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. Hiện tất cả các TCPHT đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng", ông Tuyên nhận định.
Theo ông Tuyên, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ. Vừa qua, một số TCPHT đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.
Thứ ba là góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…). Đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Thứ tư, đây là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, TCTTT tại Việt Nam. Ông Tuyên kỳ vọng từ câu chuyện thanh công từ việc phát triển thẻ tín dụng nội địa từ một số thị trường quốc tế như Ấn Độ (với thẻ nội địa mang thương hiệu RUPAY), Hàn Quốc (thẻ BC Card),… sẽ là niềm cảm hứng cho các TCPHT tại Việt Nam. Từ đó, TCPHT sẽ có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước để phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.
Thông tin về tốc độ phủ sóng của thị trường thẻ, bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho hay, từ 2017 đến 2021, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoản 80%/năm.
Để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, bà Dung gói gọn việc phát triển thẻ tín dụng nội địa của ACB trong 3 vấn đề chính: thứ nhất là sản phẩm phù hợp; thứ hai là đối tượng khách hàng phù hợp; thứ ba là “đóng gói” sản phẩm phù hợp. Đây là một trong những yêu tố then chốt quyết định đến việc thành công của sản phẩm.
Ưu tiên phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng, gọi là đại tiệc phí, như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng miễn cho khách hàng.
"Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư. Bây giờ khách hàng không phải ra quầy, điền đơn này kia thì sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện tất cả trên online. Với kinh nghiệm của chúng tôi, việc rất quan trọng là phải phát triển được hạ tầng chấp nhận thanh toán tốt, triệt để, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng"- ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho hay.
Đối với Agribank thì đơn vị này chủ động hướng đến đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank vui mừng chia sẻ, khách hàng là người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác,… có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý.