Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu cải thiện
Theo thống kê sơ bộ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số sản phẩm bất động sản chào bán giảm 30% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ hấp thụ cũng giảm sút mạnh chỉ bằng gần 48% (thấp hơn 3,2 điểm % so với năm 2021). Điều đó cho thấy thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu cải thiện. Đặc biệt, thị trường có xu hướng giảm mạnh lượng hàng cung cấp ra trong thời gian gần đây, với quý III/2022 chỉ có khoảng 9.500 căn hộ được đưa ra thị trường, giảm 23% so với quý II/2022.
Lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản đang giảm sút mạnh cả về cung và lượng giao dịch, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đó là do số lượng dự án mới được đầu tư, xây dựng ngày một hạn chế và tình trạng này hiện vẫn chưa khả quan hơn. Trong khi đó, trái ngược với nguồn cung “cạn kiện”, nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn cao, nhiều khách hàng, nhà đầu tư vẫn quan tâm ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, dịch bệnh, dẫn tới giá nhà liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thị trường bất động sản đang giảm sút mạnh cả về cung và lượng giao dịch |
Ông Đính chia sẻ, thị trường bất động sản Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, lan tỏa hiệu ứng sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Chính vì thế, nó sẽ tác động rất mạnh tới thị trường và đặc biệt là nền kinh tế, cùng người lao động.
“Với một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa, cách đây khoảng 10 năm trước chúng ta ít nghe đến trên bản đồ thị trường bất động sản. Nhưng khi một số doanh nghiệp lớn tìm đến những vùng này và đầu tư xây dựng thì đã thúc đẩy sự phát triển và lan tỏa kinh tế cho cả vùng”, ông Đính nói và thêm rằng: “Cần chính sách đồng bộ để tạo điều kiện tốt nhất cho thị trường này liên thông đến các thị trường tài chính, trái phiếu, cổ phiếu…”.
Theo ông Đính, Luật Đất đai và Nghị quyết 18-NQ/TW có vai trò rất quan trọng định hướng cho thị trường bất động sản. Nếu Luật Đất đai được sửa đổi thì các luật khác cũng phải có sự đồng nhất với nó, lúc đó mới tạo ra được một hành lang pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp trong ngành hoạt động hiệu quả. “Khi có quy định chuẩn rồi thì doanh nghiệp không có gì phải trăn trở, lo ngại”, ông Đính nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và các phân khúc đều còn thiếu cung. Việt Nam cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro để tận dụng được các cơ hội mới, nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn.
Cũng theo ông Lực, cần quy định phân nhóm, phân khúc bất động sản để có các chính sách phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt. Đồng thời, hoàn thiện thể chế theo hướng sửa đổi Nghị định 153 và 156 phù hợp; rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp, minh bạch, công bằng và phân bổ thu nhập hợp lý...
Tuy nhiên để thị trường bất động sản phát triển bền vững, ông Lực cũng lưu ý, ngoài tín dụng, doanh nghiệp bất động sản cần lưu tâm và linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, huy động qua quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể...