Thị trường hàng hóa diễn biến thận trọng
Trong khi lực bán có phần chiếm ưu thế đối với nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại, thì sự phục hồi của giá các mặt hàng khí, xăng, dầu đã giúp chỉ số MXV-Index nhóm năng lượng giữ được sắc xanh duy nhất trong 4 nhóm.
Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trong phiên hôm qua tập trung chủ yếu vào nhóm nông sản. Kết thúc phiên, giá trị giao dịch toàn Sở suy yếu nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức hơn 4.300 tỷ đồng.
Dầu thô tăng trở lại do bất ổn nguồn cung
Đối với nhóm năng lượng, giá dầu nhích nhẹ trở lại trong cuối phiên giao dịch ngày 19/9, khi những bất ổn về nguồn cung đẩy lực mua gia tăng trong cuối phiên. Cụ thể, giá WTI tăng 0,71% lên 85,36 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,71% lên 92 USD/thùng.
Hôm qua tiếp tục là một phiên giao dịch đầy biến động với thị trường, với giá mở cửa trong sắc xanh khi Trung Quốc thông báo dỡ phong tỏa Covid-19 với Thành Đô. Tuy vậy, với các nhận định tiêu cực, giá dầu đã chịu lực bán mạnh và đã có lúc giảm đến gần 4 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết Trung Quốc có thể sẽ giữ chính sách Zero Covid đến quý II năm sau. Như vậy, các hoạt động sản xuất, giao thương vẫn gặp thách thức lớn, khó có thể thu hút đầu tư.
Trong khi đó, sức ép trả nợ đang ngày càng lớn dần, với lượng trái phiếu sắp đáo hạn ngày càng nhiều, và như vậy ngay cả khi mở cửa, Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong hoạt động huy động vốn.
Sức ép nền kinh tế phần nào thể hiện qua số liệu xuất khẩu xăng trong tháng 8 tăng mạnh 97,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,12 triệu tấn, và Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu nước này xin cấp thêm 15 triệu tấn hạn ngạch xuất khẩu, điều này hàm ý nhu cầu trong nước đang dư thừa và buộc các nhà máy bán ra thị trường quốc tế để cải thiện nguồn thu.
Giá chỉ phục hồi trong phiên tối nhờ lực mua kỹ thuật và lo ngại gia tăng về bất ổn nguồn cung. Hiện tại, tranh luận giữa Nga và Đức về một cơ sở lọc dầu của Nga vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, Tổng thống Iran hiện tại cho biết cần phải có thêm các cam kết của Mỹ để thỏa thuận hạt nhân có thể đi đến thành công.
Với sản lượng của OPEC+ đang thấp hơn mục tiêu 3,583 triệu thùng/ngày, trong khi lượng dầu trong các kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang dần cạn, sức ép về nguồn cung sẽ ngày càng gia tăng trong các tháng cuối năm.
Các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều
Thị trường nông sản trong phiên giao dịch đầu tuần ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều. Giá đậu tương đã lấy lại được sắc xanh sau 4 phiên liên tiếp suy yếu. Những số liệu xuất khẩu tích cực hơn của Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ cho giá trong phiên hôm qua.
Diễn biến của giá đậu tương cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua và khiến giá khô đậu bật tăng mạnh gần 2%. Ngược lại, dầu đậu tương lại ghi nhận mức giảm khá sâu do áp lực trái chiều nhưng nhìn chung giá vẫn đang duy trì trong khoảng đi ngang trước đó với biên độ thu hẹp hơn.
Các số liệu xuất khẩu đầu niên vụ mới của Mỹ đã giúp cho thị trường có những kỳ vọng tích cực hơn về nhu cầu. Trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu, đã có 518.743 tấn lúa mì đã thông quan và xuất cảng, cao hơn so với mức 341.713 của tuần trước đó.
Bên cạnh đó, hạn hán tại khu vực EU đã kết thúc tại hầu hết các khu vực nhưng đây cũng là thời điểm ít có thể hỗ trợ cho cây vụ hè phục hồi.
Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) đã cắt giảm nhẹ dự báo năng suất hạt hướng dương của EU xuống còn 2,05 tấn/héc-ta, từ 2,06 tấn/héc-ta trong ước tính trước và thấp hơn 14% so với năm 2021. Nguồn cung hạt có dầu của EU sụt giảm là yếu tố đã hỗ trợ cho giá đậu tương.
Trong khi đó, giá ngô có những diễn biến tương đối giằng co trong bối cảnh những lo ngại về suy thóai kinh tế toàn cầu do lạm phát tiếp tục đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư. Giá suy yếu ngay sau khi mở cửa do tình hình nguồn cung trên Biển Đen tiếp tục được nới lỏng. Tuy vậy, lực mua mạnh mẽ trong cuối phiên đã giúp giá ngô hồi phục và đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,15%.
Việc các lô hàng ngô từ Mỹ được đẩy mạnh phản ánh nhu cầu đối với loại ngũ cốc này có sự cải thiện và giúp giá ngô quay đầu tăng trở lại. Cụ thể, báo cáo Giao hàng xuất khẩu của Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành tối qua cho biết khối lượng giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 15/9 của Mỹ tăng cao hơn so với tuần trước đó.
Đối với lúa mì, giá đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm mạnh 3,4%. Nhu cầu từ nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Trung Quốc liên tục suy yếu đã gây sức ép mạnh lên giá lúa mì.
Cụ thể, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này đã nhập khẩu 0,53 triệu tấn lúa mì trong tháng 8, giảm tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng đầu năm nay của nước này chỉ đạt 6,25 triệu tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thận trọng chờ chốt giá
Theo MXV, trong bối cảnh giá nông sản trên thế giới đang liên tục biến động trái chiều, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục thận trọng theo dõi nhằm chốt giá nhập khẩu.
“Thị trường đang kỳ vọng thời gian tới sẽ là giai đoạn giá các mặt hàng nông sản trên thế giới sẽ có nhịp điều chỉnh giảm, khi mà nhu cầu có xu hướng suy yếu trước các áp lực từ nền kinh tế vĩ mô. Do đó, quý IV sẽ là thời điểm quan trọng giúp các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi quyết định mức giá tối ưu nhằm đảm bảo lợi nhuận doanh nghiệp”, MXV nhận định.
Ghi nhận trong sáng ngày 20/9, giá heo hơi sau khi liên tục hạ nhiệt trước đó, hiện đang dao động ổn định với mức giá từ 58 - 67 nghìn đồng/kg, tuỳ từng khu vực. Thị trường đang kỳ vọng xu hướng giảm sẽ tiếp tục khi mà gánh nặng về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được hạn chế một phần so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, nhiều địa phương đặc biệt là khu vực miền Nam đang tăng cường sự chủ động trong lĩnh sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này “sẽ là tín hiệu tích cực góp phần duy trì sự ổn định của thị trường”, MXV dự đoán.