Thị trường hàng hóa: Giá cacao tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất 1 tháng
Thị trường hàng hoá đóng cửa tuần giao dịch biến động mạnh [Infographic] Chỉ số CPI tháng 6/2024 |
Giá cacao tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất 1 tháng |
Giá ca cao giảm sâu 5,67% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, giá cà phê Arabica giảm 0,86% về mức 4.957,09 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Robusta kết phiên trái chiều tăng 1,40% lên 4.067 USD/tấn. Tồn kho cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm, kết hợp cùng số liệu xuất khẩu ảm đạm tại Việt Nam là nguyên dân chính dẫn đến diễn biến giá hai mặt hàng trên.
Theo MXV, tính đến hết ngày 28/6, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm thêm 790 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận tại đây còn 807.394 bao. Trong khi đó, đồng Real của Brazil yếu đi, thúc đẩy tỷ giá USD/BRL tăng thêm 1,21%, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm. Chênh lệch tỷ giá lớn hơn tạo tâm lý nông dân Brazil sẽ tăng bán cà phê do thu về nhiều ngoại tệ hơn.
Lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng giảm do nguồn cung trong nước dần cạn kiệt. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng cà phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất đi khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (2/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng nhẹ, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 120.000 - 121.300 đồng/kg.
Giá cacao tiếp tục giảm mạnh 5,67% về mức 7.293 USD/tấn, neo ở vùng thấp nhất 1 tháng. Thị trường vẫn kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực về thời tiết sẽ hỗ trợ mùa vụ cacao tại Tây Phi.
Dù vậy, thị trường hiện tại vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Các nhà xuất khẩu cacao tại Bờ Biển Ngà cho biết, tính đến ngày 30/6, lượng cacao đến các cảng tại quốc gia này đạt 1,596 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ mùa trước.
Giá quặng sắt tăng hơn 3% nhờ kỳ vọng Trung Quốc kích thích kinh tế
Kết phiên giao dịch 1/7, thị trường kim loại diễn biến trái chiều. Đối với kim loại quý, giá bạc tăng nhẹ 0,18% lên 29,61 USD/oz, nhưng lực bán hầu như áp đảo đối với bạc trong hầu hết phiên hôm qua. Trong khi đó, giá bạch kim suy yếu 2,5% xuống 988,7 USD/oz.
Ngay từ khi mở cửa, giá hai mặt hàng này đã gặp áp lực bởi giới đầu tư tỏ ra thận trọng khi thị trường đón nhận loạt dữ liệu vĩ mô quan trọng trong tuần này, bao gồm chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất, Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 6 và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.
Sự suy yếu của giá bạc và giá bạch kim tiếp tục kéo dài đến phiên tối do bị chi phối bởi sự mạnh lên của đồng USD. Bất chấp dữ liệu kinh tế yếu, thể hiện qua chỉ số PMI sản xuất của Mỹ thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp, đồng đô la Mỹ vẫn tăng mạnh trong phiên tối do tín hiệu lạc quan từ vụ án của cựu Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng ông sẽ có một số quyền miễn trừ khỏi việc bị truy tố hình sự. Động thái này được coi là có lợi cho ông Trump. Trong khi đó, giới đầu tư hiện đang kỳ vọng rằng nếu ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11, nền kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi. Do vậy, thông tin này đã tác động “bullish” lên đồng USD, kéo chỉ số đô la Mỹ tăng mạnh từ 105,6 lên 105,9 điểm. Giá kim loại quý vì thế cũng phải chịu sức ép.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 0,6% lên 9.740,01 USD/tấn sau loạt dự báo lạc quan của giới phân tích.
Cụ thể, các chuyên gia trong ngành cho rằng kim loại đồng có tiềm năng tăng giá mạnh trong nửa cuối năm nay, do nguồn cung tiếp tục thắt chặt, trong khi nhu cầu cải thiện tại Trung Quốc. Theo dự báo, thị trường tinh quặng đồng có thể thâm hụt khoảng 500.000 tấn vào năm 2025, tăng so với mức thâm hụt dự kiến là 200.000 tấn trong năm nay.
Theo đó, Citi Research dự báo giá đồng sẽ ổn định ở mức 9.500 USD trong quý III và tăng lên 12.000 USD vào cuối năm nay đến quý I năm sau.
Cùng chung diễn biến, giá quặng sắt tăng hơn 3% lên 110,08 USD/tấn, mức cao nhất hai tuần gần đây. Quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục tung ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vào Hội nghị Trung ương (15 - 18/7) đã giúp giá sắt đón nhận lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua.