Thị trường tài chính toàn cầu: Nguy cơ bất ổn tăng cao
Những lo ngại xuất hiện khi các NHTW trên khắp thế giới đang thắt chặt nhanh chóng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, tạo ra một môi trường mà các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách cho là mảnh đất màu mỡ cho những bất ổn tài chính.
Một trong những chỉ số để đánh giá căng thẳng trong nền kinh tế thế giới là nhu cầu toàn cầu đối với đồng đôla đã tăng vọt khi các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro và tìm nơi trú ẩn ở đồng tiền Mỹ.
Theo đó, chênh lệch giao dịch hoán đổi cơ sở tiền tệ chéo euro/đôla ba tháng - đo lường nhu cầu đối với đôla trên thị trường phái sinh tiền tệ - trong tháng này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 khi sự biến động ở Anh làm giảm giá tài sản. Điều tương tự cũng diễn ra đối với chênh lệch hoán đổi đôla/yên, cho thấy người vay bên ngoài Mỹ sẵn sàng trả phí bảo hiểm cho các quỹ đôla.
“Mức độ của (các động thái) là khá bất thường”, Tobias Adrian - Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của IMF cho biết và nhấn thêm: “Có sự thiếu hụt tiền tài trợ bằng đôla”.
Báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu của IMF được công bố hôm 11/10, cũng nêu rõ những rủi ro cụ thể trong các quỹ đầu tư mở và thị trường cho vay có đòn bẩy với những cụm từ như “định giá lại tài sản hỗn loạn” và “lây nhiễm thị trường tài chính”.
Một chỉ số do Goldman Sachs tổng hợp cũng cho thấy, các điều kiện tài chính toàn cầu - phản ánh sự sẵn có của nguồn vốn - chạm mức thắt chặt nhất kể từ năm 2009 vào cuối tháng 9 do lãi suất tăng, chứng khoán giảm và đồng đôla tăng vọt.
Trong khi đó, thị trường nợ doanh nghiệp cũng đang cho thấy mức độ lo ngại rủi ro cao nhất trong nhiều năm.
Suzanne Hutchins - Giám đốc đầu tư của quỹ toàn cầu tại Newton Investment Management cho biết, môi trường hiện tại làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng “thiên nga đen” (được dùng để mô tả những sự kiện không lường trước được và thường gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu). “Chúng tôi biết thị trường hiện nay khá kém thanh khoản”, bà nói. “Có một lượng lớn đòn bẩy trong hệ thống tài chính và tỷ lệ hiện đang cao hơn rất nhiều, vì vậy chắc chắn sẽ có một số tai họa ở đó”.
Ed Perks - Giám đốc điều hành của Franklin Income Investors cho biết vào tháng trước, mức độ biến động toàn cầu tăng đột biến tại Vương quốc Anh cho thấy rủi ro có thể ảnh hưởng đến các thị trường khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt trên toàn thế. Theo ông, sự căng thẳng trên thị trường tài chính là điều dễ hiểu khi thực hiện các chu kỳ thắt chặt chứ chưa nói đến mức độ thắt chặt mạnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa xảy ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 11/10 cũng cho biết, chưa thấy dấu hiệu bất ổn tài chính ở thị trường tài chính Mỹ mặc dù có nhiều biến động. Michel Vernier - Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định tại Barclays Private Bank cho biết: “Chúng ta còn xa với những người ở trong một chế độ mà họ nói rằng đây là một viễn cảnh đau khổ”. “Chúng tôi có lạm phát quá mức, nhưng chúng tôi đã có thời gian để chuẩn bị từ phía hộ gia đình, công ty và từ phía chính phủ”.
Tuy nhiên, ít người tin rằng sự hỗn loạn hiện nay trên các thị trường toàn cầu sẽ sớm giảm bớt. Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey đã khiến thị trường thêm lo ngại khi ông cho biết hôm 11/10 rằng các quỹ hưu trí của Anh bị ảnh hưởng bởi giá trái phiếu sụt giảm chỉ có ba ngày để khắc phục các vấn đề của họ trước khi NHTW Anh rút hỗ trợ.
Trong khi sự biến động trong chứng khoán và trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đã tăng trước dữ liệu lạm phát hôm thứ Năm, tương ứng với mức liên quan đến “các sự kiện rất căng thẳng”, Tobias Adrian của IMF cho biết.
Vasiliki Pachatouridi - Trưởng bộ phận Chiến lược Thu nhập Cố định iShares của EMEA, nói với Reuters rằng: Ổn định tài chính là "một loại rủi ro khác mà giờ đây khách hàng dễ gặp phải hơn". “Tôi có thể nói lạm phát cổ điển đứng đầu danh sách, sau đó là địa chính trị và ổn định tài chính”.
Axel Weber - Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế cũng nói với những người tham dự cuộc họp thường niên của nhóm hôm 11/10 rằng ông dự kiến sẽ có nhiều biến động hơn khi các NHTW gấp rút tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Weber - người từng là Chủ tịch UBS AG và Chủ tịch ngân hàng Đức Bundesbank cho biết: “Tôi chưa từng thấy điều gì như thế này trong 50 năm qua… Tác động lên thị trường sẽ tàn bạo hơn, rõ ràng hơn và sẽ lớn hơn nhiều”.