Thị trường thứ cấp sẽ quyết định sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp
PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo |
Thời gian vừa qua, đã có nhiều cảnh báo thị trường trái phiếu DN phát triển nóng. Mới đây Bộ Tài chính ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu DN theo hình thức riêng lẻ siết chặt hơn điều kiện phát hành. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường trái phiếu DN?
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
Theo ông, vì sao thị trường trái phiếu DN tăng trưởng nóng trong thời gian qua?
Thời gian qua, có rất nhiều cảnh báo về sự bất ổn của thị trường trái phiếu DN. Nhưng tôi phải khẳng định lại rằng, bản chất trái phiếu DN không có lỗi và cũng không phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng phát triển nóng, rủi ro của thị trường này. Căn nguyên của vấn đề này do thị trường BĐS tăng trưởng nóng. Do tâm lý “mua vàng sợ bị lỗ, mua thổ thì lợi” của người dân Việt Nam nên cơn khao khát đất đai vẫn rất lớn, khiến BĐS như một “hố đen” hút nguồn vốn của nền kinh tế. Trong khi đó, thời gian gần đây NHNN lại siết chặt cho vay BĐS để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Khi khả năng bơm tiền từ tín dụng ngân hàng bị thu hẹp, BĐS cần phải có một kênh huy động vốn khác và để huy động được vốn như kỳ vọng, các DN BĐS đã đẩy lãi suất lên cao. Tất nhiên, lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Do DN BĐS huy động lãi suất cao, trong khi nhóm trái phiếu DN BĐS trong rổ trái phiếu quá lớn nên đã định hình đường cong lãi suất thị trường ở mức cao. Điều này khiến cho thị trường trái phiếu DN có dấu hiệu tăng trưởng nóng.
Chính vì vậy, mới đây, Bộ Tài chính nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân thận trọng vì có khả năng không thu được tiền đầu tư vào trái phiếu nếu DN phát hành rơi vào khó khăn. Việc thường xuyên phải “nắn chỉnh” thị trường này là cần thiết để đảm bảo sự lành mạnh, quy củ, chuyên nghiệp và minh bạch hơn của thị trường này, cũng như đa dạng hóa các loại trái phiếu trong rổ trái phiếu DN với nhiều khẩu vị rủi ro khác nhau...
Hiện nhiều DN cho rằng, các quy định của cơ quan quản lý quá chặt. Quan điểm ông về vấn đề này thế nào?
Tôi nghĩ rằng, ở góc độ DN họ thấy chặt. Nhưng ở góc độ cơ quan quản lý, các giải pháp Bộ Tài chính đưa ra giúp cho thị trường trái phiếu DN quy củ, bài bản hơn, đó là điều bình thường. Tuy nhiên dù việc cảnh báo là tốt, nhưng cũng không nên truyền dẫn các tin tức tiêu cực, nếu không sẽ hình thành ấn tượng ban đầu không tốt với kênh này.
Như chúng ta đã biết, hiện vốn cho nền kinh tế vẫn tập trung vào hệ thống ngân hàng. Theo thống kê đã có giai đoạn tới 70% nhu cầu vay vốn được giải quyết thông qua hệ thống ngân hàng. Điều đó đã tạo áp lực lớn và gây nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bởi vậy nhiều năm qua các cơ quan điều hành đều rất mong muốn đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, nhất là phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN mà chưa làm được. Nhưng phải đến năm 2019, khi nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực BĐS bị siết lại, trong khi nhu cầu vốn của DN nhất là DN BĐS vẫn khá lớn, đã tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu DN phát triển mạnh mẽ. Qua đó, vừa giúp thị trường tài chính trở nên đa dạng hơn vừa giảm phần nào áp lực cấp vốn của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.
Liệu quy định tại Nghị định 81 đủ kiểm soát rủi ro của thị trường này không, thưa ông?
Để phát triển một thị trường vốn lớn tôi nghĩ rằng chúng ta cũng chấp nhận sự đánh đổi. Đôi khi phải chấp nhận sự khiếm khuyết của thị trường để tạo cú hích cho thị trường nảy nở, lớn lên rồi mới nắn chỉnh lại. Cách làm đối với thị trường trái phiếu DN như hiện nay là phù hợp để thị trường không bị đẩy đi quá xa.
Tôi cho rằng, quy định mới của Bộ Tài chính đã đủ chặt chẽ để kiểm soát được rủi ro của thị trường trái phiếu DN, phát triển một cách hài hòa, ổn định, an toàn đối với nền kinh tế. Thứ nhất, đã kiểm soát quy mô phát hành, tránh tình trạng DN có 1 đồng vốn mà phát hành tới 100 đồng trái phiếu. Theo đó, DN phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành.
Thứ hai, quy định mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng đã tránh việc lách, chia nhỏ các đợt phát hành, gây lộn xộn thị trường của các DN phát hành.
Có thể nói đây là cơ hội rất tốt để phát triển thị trường vốn dài hạn. Trên thực tế, DN cần nhiều kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng. Hiện nhu cầu vay của nền kinh tế rất lớn, nếu chỉ ngân hàng là kênh độc quyền cung ứng sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy. Hơn nữa nguồn vốn huy động của ngân hàng đa phần là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn của DN là rất lớn. Nếu dựa cả vào ngân hàng để lo nguồn vốn này sẽ tạo nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Do đó, cần phải phát triển các kênh huy động vốn khác, trong đó có trái phiếu DN.
Ông đánh giá triển vọng thị trường trái phiếu DN trong thời gian tới ra sao?
Tôi cho rằng, sắp tới có thể thị trường trái phiếu DN sẽ chững lại do các DN phải sắp xếp lại các kế hoạch kinh doanh trong đó có kế hoạch huy động vốn của họ trước tác động chính sách mới cũng như của dịch bệnh Covid-19. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại là trái phiếu DN là kênh huy động vốn rất tốt cho nền kinh tế. Nếu tín dụng vẫn khó tăng thì kênh trái phiếu DN sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn bù đắp thiếu hụt vốn đầu tư cho nền kinh tế. Vì vậy, cần phải phát triển thị trường này một cách bài bản thay vì siết chặt.
Theo tôi, muốn thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh nên phát triển theo hướng giống như thị trường cổ phiếu để nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lãi suất, DN phát hành cũng không chỉ cạnh tranh bằng lãi suất. Khi đó, lợi nhuận từ trái phiếu DN, ngoài lãi suất còn là phần lợi nhuận mua đi, bán lại. Như vậy, chỉ những trái phiếu “xịn” của các DN phát hành uy tín mới có thanh khoản tốt, có khả năng tăng giá. Một khi làm được điều này, nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn DN phát hành có năng lực tốt, chứ không chỉ nhìn vào lãi suất. Khi đó, thị trường sẽ phát triển lành mạnh, không còn chỗ cho trái phiếu rác. Nhưng yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hóa điều này là phải phát triển thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp sẽ quyết định sự phát triển của thị trường trái phiếu DN.
Song song với đó, công tác phát triển, thành lập các định chế xếp hạng tín nhiệm độc lập, có uy tín, có tiêu chuẩn chặt chẽ về xếp hạng cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường trái phiếu DN. Bởi họ sẽ cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn tổng quan trước lựa chọn đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời.
Xin cảm ơn ông!