Thị trường trông chờ tín hiệu rõ hơn của Fed
Kỳ vọng ôn hòa nhưng… khó
Sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed được công bố và trong bối cảnh đà tăng CPI tháng 7 đã bắt đầu chững lại, các nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng Fed sẽ ôn hòa hơn trong thắt chặt tiền tệ. Theo đó, mặc dù biên bản cuộc họp cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát nhưng nhiều quan chức cũng nhận thấy các rủi ro có thể thắt chặt chính sách quá mức và kìm hãm hoạt động kinh tế. Do đó, việc tăng lãi suất cần dựa trên các dữ liệu kinh tế thực và có thể chuyển từ quy mô lớn (các mức tăng 0,75% trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7) xuống mức 0,5% và cuối cùng 0,25% trong các cuộc họp chính sách tiếp theo, trên cơ sở cần thời gian để đánh giá tác động của thắt chặt chính sách đến lạm phát và các hoạt động kinh tế thế nào.
Cũng chính vì vậy, các NĐT hiểu biên bản của Fed, kết hợp với đà tăng của giá cả chững lại trong tháng 7 là những dấu hiệu cho thấy NHTW sẽ ôn hòa hơn trong các bước đi tiếp theo và thậm chí có thể sớm quay lại giảm lãi suất ngay trong năm 2023 nếu giá cả tiếp tục giảm nhanh. Trong khi đó, thị trường trái phiếu cũng đang định giá theo một bức tranh lạm phát sẽ “ít nghiêm trọng” hơn. Cụ thể dữ liệu của Refinitiv cho thấy, thước đo lạm phát hòa vốn (breakeven inflation) - đo lường sự khác biệt giữa lợi tức của trái phiếu kho bạc bảo vệ NĐT khỏi lạm phát (TIPS) và trái phiếu kho bạc danh nghĩa - của các kỳ hạn từ 1 năm đến 30 năm đều đã giảm kể từ giữa tháng 6 đến nay.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole được kỳ vọng cho thấy các thông điệp chính sách tới đây |
Kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn như vậy ban đầu đã giúp TTCK và lợi tức trái phiếu ổn định, tuy nhiên cũng nhanh chóng thay đổi sau đó. Và những tín hiệu mới nhất từ các thị trường cho thấy Fed có thể đi ngược với kỳ vọng này. Tính từ khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 được công bố (ngày 17/8) đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 3,8%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng trở lại mức trên 3% (đạt 3,11% vào thứ Tư, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6) và đồng đô la cũng tăng khoảng 1,7% so với đồng Yên, cặp tiền tệ vốn nhạy cảm nhất với kỳ vọng tỷ giá.
Do đó hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn về cuộc họp thường niên NHTW ở Jackson Hole, Wyoming từ 25-27/8 (bao gồm các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới), với tâm điểm là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu, để thấy được rõ hơn phần nào hướng điều hành tiền tệ của Fed trong thời gian tới, ít nhất là cho đến trước cuộc họp chính sách tháng 9.
Fed có thể “diều hâu” hơn
Những tín hiệu mới nhất cho thấy dường như các thị trường đang lo ngại cuộc họp của Fed tại Jackson Hole tới đây sẽ vẫn giữ thông điệp thắt chặt mạnh mẽ và cơ hội cho việc cắt giảm lãi suất trong năm tới sẽ khó xảy ra. Kỳ vọng ôn hòa và khả năng Fed vẫn cứng rắn trong lộ trình thắt chặt chính sách đang khiến NĐT “mắc kẹt” trong tâm thế thận trọng và sợ hãi. “Thận trọng và sợ hãi đang là tâm điểm của thị trường hiện nay. Nếu ông Powell nói điều gì đó “diều hâu” và nếu bạn mua cổ phiếu hay đầu tư vào tiền tệ của các thị trường mới nổi lúc này, bạn có thể sẽ mất ngay 3% trước khi kịp chớp mắt. Vì vậy, không ai mua vào rủi ro ngay lúc này, trước thềm hội nghị Jackson Hole”, Steven Englander, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối G20 và chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại Standard Chartered ở New York, nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, thị trường đang bối rối trước khi sự kiện Jackson Hole diễn ra. Trong đó, chắc chắn sẽ có những thành viên thị trường tin rằng Fed có khả năng giảm tốc độ thắt chặt vì nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, Fed có thể sẽ không nói như vậy tại hội nghị này mà vẫn giữ thông điệp cứng rắn. Steven Englander tin rằng, Fed sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để kéo lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, nhưng điều đó không có nghĩa Fed sẽ phải thực hiện tăng lãi suất ở tất cả các cuộc họp tới. “Họ (Fed) có thể nói những điều đại loại như: chúng tôi sẽ tăng lãi suất trong bao lâu cũng được và ở mức cao nhất cần thiết, nhưng chúng tôi không cần phải làm điều đó trong 2-3 cuộc họp tới”, Englander nói.
Cùng quan điểm, Harley Bassman, đối tác quản lý tại Simplify Asset Management cho rằng Fed sẽ “đi nhiều hơn” so với những gì thị trường kỳ vọng về việc tăng lãi suất. “Về cơ bản, chúng ta đã thấy giá nhà cao hơn 10-20%. Và OER (tiền thuê tương đương của chủ sở hữu) cũng sẽ tiếp tục tăng trong 6 đến 9 tháng tới. Vì vậy, chỉ số CPI thực tế sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới nên tôi không nghĩ lạm phát sẽ về được mức 2%-3% trong năm tới”, Bassman nói.
Có lẽ một yếu tố sẽ làm phức tạp thêm trong thông điệp mà ông Powell đưa ra tại Hội nghị Jackson Hole là dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Hoa Kỳ quý II - một thước đo lạm phát quan trọng đối với Fed - sẽ được công bố đúng 1,5 tiếng trước bài phát biểu của người đứng đầu Fed.