Thu hút đầu tư nước ngoài: Đường sẽ gập ghềnh hơn
9 tháng, vốn FDI đăng ký đạt 18,7 tỷ USD | |
Chủ động đón sóng đầu tư nước ngoài | |
Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 |
Thu hút vốn mới khó phục hồi
Ngày 21/9 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong quý III ở mức 0,75% và là lần tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu năm nay. Theo các chuyên gia, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là có thể xảy ra và điều này chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng tới triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của năm 2022, thậm chí kéo dài sang năm 2023.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/9/2022 vốn nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Như vậy sau 3 quý, vốn nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục giảm sâu hơn so với 2 quý đầu năm, chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 7,12 tỷ USD, giảm tới 43%.
Việt Nam cần sớm hành động để đáp ứng các xu thế, chính sách mới đã được đặt ra trên quy mô toàn cầu. |
Điểm sáng tích cực là nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký điều chỉnh tăng thêm 8,35 tỷ USD đối với các dự án đang hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 3,28 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Có thể thấy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, lạm phát và lãi suất tăng cùng với chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng hoặc khó khăn hơn trong việc ra quyết định rót vốn vào các dự án mới. Tuy nhiên, vốn đăng ký bổ sung và vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng trưởng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện tại thị trường Việt Nam vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển nền kinh tế nước ta trong tương lai. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khả quan đã góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra dự báo: Trong cả năm 2022, vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm từ 16-18% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả dự báo sau 9 tháng là kém lạc quan hơn đáng kể so với chính dự báo của cơ quan này hồi tháng 4 (tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng khoảng 5% so với năm 2021).
Cải thiện năng lực để đón xu thế mới
Việt Nam đang ở trong xu thế chung của thế giới, khi chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chững lại khi các nhà đầu tư xem xét lựa chọn điểm dừng chân mới. Trên thực tế, không phải môi trường đầu tư toàn cầu kém triển vọng trong tương lai, mà thực chất là các nhà đầu tư lớn đang có nhiều sự lựa chọn hơn. Xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ chảy về các nước phát triển, hoặc ở lại cố quốc, trong khi rút dần khỏi các thị trường mới nổi, đang ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, các quốc gia có tiềm lực lớn cũng sẵn sàng chi mạnh tay để thu hút các dòng vốn này.
Ví dụ điển hình là kế hoạch đầu tư của Samsung trong 5 năm tới, với quy mô 450.000 tỷ won, tương đương 356 tỷ USD, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực chiến lược gồm bán dẫn, dược phẩm sinh học và các công nghệ thế hệ mới khác. Trong tuyên bố của mình, gã khổng lồ công nghệ sẽ chi 360.000 tỷ won, tương đương 285 tỷ USD tại quê nhà. Như vậy, ngân sách mà Samsung dự kiến đầu tư ra ngoài lãnh thổ Hàn Quốc tới năm 2026 chỉ còn khoảng hơn 70 tỷ USD.
Ngay sau tuyên bố này của Samsung, Mỹ đã trực tiếp bày tỏ nhiều động thái nhằm hướng dòng vốn của tập đoàn này vào quốc gia mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 trực tiếp đến thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Samsung tại Hàn Quốc. Tháng 8 vừa qua, Mỹ cũng thông qua Đạo luật Khoa học và Chip, theo đó dành khoảng 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học, nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như các ngành chế tạo công nghệ cao khác. Ngay sau đó, Samsung đã công bố đầu tư 5 tỷ USD để sản xuất công nghệ bán dẫn tại Mỹ.
Theo Techwire Asia, nhu cầu về chất bán dẫn của thế giới hiện đã lớn đến mức mà nhiều cường quốc công nghiệp lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều đang ưu tiên tăng cường cung cấp ngay tại quốc gia mình để đa dạng hóa nguồn cung. GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tiềm năng của Việt Nam lại hạn chế, không thể so sánh với các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Vì vậy, Việt Nam phải đánh giá đúng tiềm năng, chọn lọc sản phẩm chúng ta cần và doanh nghiệp có thể đầu tư. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong thu hút vốn nước ngoài cho thấy các tập đoàn của Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ cần được thúc đẩy để làm công nghiệp hỗ trợ, tiến tới dần tự sản xuất.
Trong thời gian trước mắt, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Việt Nam vẫn còn cơ hội để thu hút các tập đoàn lớn di dời đại bản doanh. Mặc dù hiện tại, các nhà đầu tư này còn đang lưỡng lự trong việc ra quyết định, nhưng nếu không đẩy nhanh tiến độ thì đến đầu năm 2024 chúng ta sẽ không còn cơ hội. Đây là thời điểm cần hoàn thiện các vấn đề thể chế để cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
Bên cạnh đó, phải gấp rút chuẩn bị các chính sách cũng như hành động để đáp ứng các xu thế mới, như việc áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu; hay các vấn đề liên quan tới quota các-bon, trách nhiệm xã hội đối với sản phẩm xuất khẩu... Những vấn đề này là đòi hỏi cấp bách và sẽ được các nước áp dụng trong khoảng 2 năm tới. Nếu không kịp thời đáp ứng, Việt Nam sẽ chậm nhịp so với thế giới.