Thu ngân sách 8 tháng gần đạt kế hoạch cả năm
Đến hết tháng 8, có 02 khoản thu ước vượt dự toán là khoản thu về nhà, đất (đạt 107,7%) và thu khác ngân sách (đạt 102,9%); 03 khoản thu đạt trên 90% dự toán là thu thuế thu nhập cá nhân (đạt 98,9%), thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản (đạt 99,2%) và thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 94%).
Xét theo sắc thuế, số thu ngân sách 8 tháng đạt khá so dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ. Thuế giá trị gia tăng, mặc dù chịu tác động của việc thực hiện chính sách giảm thuế suất từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, số thu 8 tháng ước đạt 69,3% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 81,4% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ. Thuế tài nguyên ước đạt 81,5% dự toán, tăng 19,1% so cùng kỳ và thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 80,6% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ năm 2021.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán ; 49/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 14 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ .
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, tính riêng tháng 8, tổng thu NSNN ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước.
Trong tháng, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước khoảng 106,2 nghìn tỷ đồng. Số tiền gia hạn khoảng 52 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 54,2 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến chi NSNN, luỹ kế chi 8 tháng ước đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 677,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.