Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng
Đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Ngày 8/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Hội nghị triển khai Nghị quyết sẽ được tổ chức ngày 12/2/2023 tại Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chỉ một ngày sau Nghị quyết 14/NQ-CP được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi họp báo về Hội nghị triển khai Nghị quyết. Tại họp báo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, đây là Hội nghị ba trong một với chủ đề “Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và bền vững”.
Bên cạnh nội dung công bố Chương trình hành động của Chính phủ, Hội nghị còn có các hoạt động xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp của Vùng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến 18 giấy chứng nhận đầu tư, 4 quyết định chủ trương đầu tư và 2 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư 148,7 nghìn tỷ đồng cho 11 địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được trao tại Hội nghị.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, mở ra “cơ hội mới đột phá” cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Chương trình hành động đề ra 21 mục tiêu cụ thể, 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.
Mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; Trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; Có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao…
Nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối vùng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả
Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng sẽ là cơ hội cho vùng đồng bằng Sông Hồng phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Chương trình hành động cũng đề ra 10 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
“Chương trình hành động lần này đề ra nhiều giải pháp hơn các vùng khác, vì đây là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế hơn. Và nhiệm vụ và giải pháp đưa ra phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng và khắc phục những hạn chế của vùng. Để phát huy tốt tiềm năng lợi thế, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các địa phương và có lộ trình thực hiện cụ thể”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Trong Nghị quyết và phụ lục của Nghị quyết đã đưa ra những điểm đột phá như: Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Cùng với đó, xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội (dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư); tuyến đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu xây dựng dự án; và các dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và đoạn trên địa bàn thành phố Hải Phòng; đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long…
Đồng thời, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù cho vùng phát triển đột phá. Nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành về môi trường… Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng.
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đồng bằng Sông Hồng, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để cụ thể hóa được các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.