Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thiên tai, dịch bệnh; triển khai quyết liệt, trách nhiệm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, ông Lê Trường Lưu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân toàn tỉnh phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.
Gìn giữ giá trị di sản, tập trung phát triển đô thị
Huế là vùng đất có lịch sử hình thành lâu dài, gắn với quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của các thế hệ người Việt. Nơi đây từng là thủ phủ của Đàng Trong từ thế kỷ 17-18 và trở thành kinh đô của đất nước ta dưới hai triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945). Chính vì vậy, Huế mang trong mình một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, hiếm có.
Ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế mà là của cả Quốc gia. Vì vậy, quá trình trình phát triển, Thừa Thiên - Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu. Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung nghiên cứu từ quy hoạch để phát triển đô thị di sản, đến tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết chế; xây dựng cơ chế, chính sách; chăm lo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác… chuyển trọng tâm vào lĩnh vực văn hóa, di sản, tạo động lực phát triển mạnh công nghiệp văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư. Tỉnh đang tập trung hoàn thành Đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các Đề án quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng,…
Đồng thời, tỉnh giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường. Chiến lược phát triển của tỉnh đã được đặt ra bằng các Nghị quyết, Chương trình hành động, kế hoạch với lộ trình, nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn.
Có thể nói, mô hình và cách làm của Thừa Thiên - Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động thể hiện sự quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển, hội nhập, hiện đại mà vẫn gìn giữ được giá trị văn hóa Huế, giữ gìn giá trị di sản của mảnh đất Cố đô.
Dốc toàn lực xây dựng TP. Huế trực thuộc trung ương trước năm 2025 |
Nhiều kỳ vọng về tầm vóc đô thị trực thuộc trung ương
Ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh, hiện nay tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố; các phường thuộc quận, thị xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đó, sẽ xây dựng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với quy định hiện hành để xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương và tổ chức lấy ý kiến nhân dân bảo đảm theo quy định.
Có thể khẳng định rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW đã được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống và với những kết quả quan trọng mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đang tiến những bước vững chắc trên con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra mục tiêu huy động tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ hoàn thành đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, các đề án quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân. Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh.
“Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền số”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Dốc toàn lực xây dựng thành phố trực thuộc trung ương
Trong năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 9-10%; GRDP bình quân đầu người đạt 2.670 - 2.760 USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,17%; có thêm ít nhất sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Du lịch - dịch vụ từng bước tăng trưởng mạnh trở lại, tổng thu từ du lịch ước đạt 3.600 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện; các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... được triển khai quyết liệt và bước đầu đạt kết quả.
Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, năm 2023 là năm rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đây cũng là năm mà tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hoàn thiện các hồ sơ trình các bộ, ban ngành, Chính phủ. Chính vì vậy, tỉnh sẽ dốc toàn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hướng đến đạt mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, ưu tiên quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; các đề án phân loại đô thị.
Cùng với đó là quan tâm phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng; quy hoạch vùng huyện; rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Tập trung đầu tư hạ tầng các xã đạt tiêu chí trở thành phường, đô thị Phong Điền, đô thị Chân Mây… nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
Thừa Thiên - Huế cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm: Cầu qua cửa biển Thuận An, tuyến đường bộ ven biển, cầu qua sông Hương, đường Tố Hữu, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đê chắn sóng Chân Mây. Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích kinh thành Huế, các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư… nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.
Để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên - Huế phải phát huy toàn bộ nội lực, huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, thiết chế văn hóa, xã hội, thiết chế đô thị, giao thông kết nối, công trình công cộng giúp người dân được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần, học tập và làm việc trong môi trường tốt hơn, thuận lợi hơn.