Thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách
Hướng tới hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đại Trí - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Toàn cảnh Hội thảo |
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Điều này lại một lần nữa lại được khẳng định rõ nét tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030.
Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược, kế hoạch sau này, cụ thể như Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái Tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Có thể thấy, trong thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Tài chính. Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, cho đến nay, việc triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của ngành Tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số.
“Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng”, TS Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB chia sẻ tại Hội thảo |
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính
Về phía tổ chức quốc tế, ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB chia sẻ, Chính phủ các quốc gia trên thế giới đang ngày càng tận dụng công nghệ để hiện đại hóa khu vực dịch vụ công, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân cũng như nâng cao minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Qua giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, việc các cơ quan nhà nước ứng dụng chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả tích cực. Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong cải cách hành chính, hiện đại hóa thời gian qua, ông Andrea Coppola cho rằng, những hệ thống điện tử của các cơ quan như thuế, hải quan, kho bạc đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách.
Điều này mang lại lợi ích lớn, nâng cao minh bạch quy trình giải quyết thủ tục, giảm chi phí, thời gian cho người làm thủ tục. Thời gian tới, đại diện WB cho rằng, ngành Tài chính có thể cải thiện khả năng kết nối liên thông dựa trên các hệ thống hiện có để có thể phát huy hiệu quả tốt hơn.
Gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính |
Bên cạnh đó, WB khuyến nghị khu vực công của Việt Nam, bao gồm cả Bộ Tài chính cần tăng cường hoạt động dựa vào dữ liệu điện tử mà trước mắt là cải thiện việc thu nhập, chia sẻ dữ liệu một cách khoa học và hiệu quả hơn. Những dữ liệu này tổng hợp lại có thể trở thành căn cứ quan trọng để cơ quan quản lý hoạch định chính sách. Đại diện WB cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm như đảm bảo an ninh mạng, bảo mật cá nhân; đẩy mạnh vận hành liên thông, hợp tác với khu vực tư nhân… Đây là những giải pháp cần làm để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lực và Chính sách tài chính cũng nêu ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tài chính thời gian tới, đó là: Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển tài chính số, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính.
Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng, hệ thống, xây dựng các nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm có (nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử).
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành tài chính; tăng cường tuyên truyền phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức, hiểu đúng, hiểu đủ về ý nghĩa và sự cần thiết phải chuyển đổi số, và các nhận thức về kinh tế số đối với người dân, doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan nhà nước; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân đặc biệt trong lĩnh vực tài chính điện tử.
Trong khuôn khổ của Hội thảo - Triển lãm VDF-2022, sau phiên khai mạc, Hội thảo – Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) với chủ đề: “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” tập trung cho phần Hội thảo gồm hai chuyên đề: Chuyên đề 1: Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước; và Chuyên đề 2: Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Bên cạnh các Phiên Hội thảo chuyên đề, Triển lãm VDF 2022 còn có gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.