Thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa các nền kinh tế (Kỳ 2)
Thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa các nền kinh tế (Kỳ 1) | |
Hội nghị cấp cao APEC kết thúc tốt đẹp | |
Sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017 được đánh giá cao |
Kỳ 2: NHNN Việt Nam và dấu ấn "Tài chính toàn diện"
Với vai trò đại diện cho nước chủ nhà APEC 2017, trong khuôn khổ Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMP), NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính chủ trì, tổ chức hai chuỗi sự kiện hợp tác xoay quanh bốn chủ đề ưu tiên. Đặc biệt, NHNN là cơ quan chủ trì, xây dựng nội dung và điều phối các quan hệ hợp tác APEC về chủ đề Tài chính toàn diện (TCTD).
Trụ cột chính trong hợp tác APEC
NHNN đã đề xuất “TCTD” là một trong 4 chủ đề ưu tiên cho hợp tác tài chính - ngân hàng trong năm APEC 2017. Ngay từ cuối năm 2016, trên cơ sở tham vấn với các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác phát triển quốc tế, căn cứ vào nhu cầu và đặc thù phát triển của Việt Nam, NHNN đã đề xuất các hoạt động hợp tác APEC 2017 về TCTD sẽ hướng đến mục tiêu phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, tập trung vào các nhóm nội dung như: Xác định quy mô và phạm vi TCTD, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của mỗi nền kinh tế thành viên; Tài chính số và thanh toán số, triển khai ứng dụng công nghệ tài chính mới; nâng cao nhận thức, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng…
Trong suốt một năm qua, NHNN đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả cả trên bình diện song phương và đa phương mà trọng tâm là các diễn đàn về TCTD trong khuôn khổ các Hội nghị chính thức của APEC xuyên suốt cả năm 2017 và ba sự kiện bên lề liên quan đến chủ đề này do NHNN chủ trì đăng cai.
Trong khuôn khổ các sự kiện và sáng kiến hợp tác dưới sự chủ trì, điều phối của NHNN, đại diện nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế đều nhất trí cho rằng: Cần tập trung các giải pháp TCTD cho nông nghiệp và nông thôn, bao gồm các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng, các dịch vụ tài chính, ứng dụng các công nghệ tài chính mới, bảo hiểm rủi ro, giáo dục nâng cao nhận thức tài chính cho người dân... Đồng thời, cần tăng cường thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng báo cáo khuyến nghị về các giải pháp tổng thể chung về TCTD nhằm hỗ trợ hiệu quả cho phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn trong các nền kinh tế APEC.
Các Bộ trưởng Tài chính APEC cũng đánh giá cao các khuyến nghị được đưa ra nhằm cải thiện và thúc đẩy hơn nữa hợp tác về TCTD trong khối, ứng dụng thanh toán số phục vụ mục tiêu an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; đề nghị các đối tác phát triển quốc tế tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế APEC triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là hệ thống thông tin tín dụng, giao dịch đảm bảo và hệ thống quy định về phá sản cũng như tài chính hỗ trợ thương mại và chuỗi cung ứng.
Tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng, những kết quả tích cực của hợp tác APEC năm 2017 về TCTD do NHNN chủ trì, điều phối lại một lần nữa được ghi nhận và phản ánh đậm nét trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Tuyên bố Đà Nẵng của các nhà Lãnh đạo (Nguyên thủ) các nền kinh tế APEC.
Tại các diễn đàn này, TCTD cũng đã được các Nhà lãnh đạo APEC công nhận là một trong ba trụ cột chính trong hợp tác APEC trong nhiều năm tới, bên cạnh trụ cột về kinh tế và xã hội để hướng tới tầm nhìn Phát triển Bền vững Khu vực APEC đến năm 2030. Trên cơ sở những thành công đạt được và với sự ghi nhận quan trọng này của các nhà Lãnh đạo APEC cao cấp nhất, các nền kinh tế thành viên được tiếp thêm động lực để tăng cường hợp tác hơn nữa nhằm hiện thực hóa các khuyến nghị, từ đó triển khai có hiệu quả chiến lược TCTD, phù hợp với đặc thù tại mỗi nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực APEC.
Thúc đẩy nền TCTD tại Việt Nam
Tại Việt Nam, TCTD có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển thị trường tài chính cũng như thị trường tín dụng, có ý nghĩa hỗ trợ phát triển to lớn khi mà các đối tượng mà TCTD hướng tới là các nhóm dân cư, hộ gia đình, DN quy mô siêu nhỏ - nhỏ và vừa, nhóm cộng đồng dễ tổn thương và khu vực nông nghiệp nông thôn...
Nội hàm TCTD bao quát trên phạm vi rộng, đó không chỉ là nguồn tín dụng mà còn là khuôn khổ pháp lý, các công cụ tài chính để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính có chất lượng với chi phí hợp lý cho các đối tượng này. Nhiều khía cạnh khác của TCTD cần phải được tính tới như tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, thanh toán ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục và nâng cao kiến thức và nhận thức về tài chính…
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ TCTD như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, triển khai ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech)...
Trong tiến trình này, Việt Nam đã tham gia và nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của nhiều đối tác quốc tế hàng đầu như WB, ADB, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực TCTD… Tuy nhiên so với nhu cầu và thực tiễn phát triển của toàn xã hội thì những kết quả đạt được cho đến nay vẫn còn khiêm tốn do những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, kinh nghiệm đúc kết từ hợp tác tài chính APEC 2017 cho thấy Việt Nam cần có một Chiến lược Quốc gia TCTD phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, cần được triển khai đồng bộ với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan đoàn thể, DN và các tầng lớp dân cư trong xã hội cũng như sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Từ quá trình hợp tác APEC và các diễn đàn hợp tác quốc tế khác, NHNN cho rằng, có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn có thể hữu ích đối với Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược TCTD Quốc gia như: Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị để thực thi Chiến lược Quốc gia về TCTD, và Chiến lược này cần được xây dựng phù hợp với điều kiện và đặc thù của mỗi quốc gia.
Áp dụng, phổ biến thông lệ tốt của quốc tế về giáo dục và nâng cao nhận thức tài chính. Đánh giá, đo lường tác động của những công việc này đến hiệu quả thực thi TCTD. Xác định và áp dụng những thông lệ tốt nhất về xây dựng hệ thống lưu chuyển kiều hối và việc sử dụng nguồn lực này góp phần vào việc thúc đẩy TCTD (bao gồm cả các sản phẩm tiết kiệm). Cần áp dụng các phương pháp và cơ chế quản lý phù hợp để có thể vừa đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống và bảo vệ người tiêu dùng trong khi vẫn phát huy được những sáng kiến đổi mới và tính cạnh tranh.
Xác định và áp dụng các thông lệ tốt nhất về phát triển hệ thống trung tâm dữ liệu và thông tin tín dụng; Xác định và thực thi các chính sách thích hợp để hỗ trợ các DN siêu nhỏ, DNNVV, các DN tham gia chuỗi cung ứng. Và quan trọng nhất, cần có nguồn lực con người và tài chính chất lượng để thực thi Chiến lược cũng như sự ủng hộ, tham gia của người dân và toàn xã hội.
Trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về TCTD với cơ quan đầu mối là NHNN, đồng thời NHNN cũng được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Chiến lược Quốc gia về TCTD, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, điều phối chung về TCTD tại Việt Nam.
Từ những kết quả và kinh nghiệm thu được từ một năm APEC 2017 hợp tác thành công, cùng với những cam kết chính trị mạnh mẽ của Lãnh đạo các nền kinh tế APEC về hợp tác TCTD, sự hỗ trợ và tham gia của nhiều đối tác phát triển quốc tế khác, NHNN tin tưởng sẽ sớm xây dựng được một Chiến lược Quốc gia hoàn chỉnh, có tính khả thi và thích nghi, phù hợp với đặc thù của Việt Nam để triển khai một cách đồng bộ, bài bản và có hiệu quả, từ đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và toàn xã hội.