Thực thi tài chính toàn diện hướng tới phát triển bao trùm
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị |
Chia sẻ tại hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diễn ra sáng nay, ngày 10/9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Cùng với đó, tầm quan trọng của tài chính toàn diện đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu khi Liên Hợp Quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; nhóm G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009; các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị, vụ/cục, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, “là một bước tiến quan trọng, vừa tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế, trên cơ sở phối hợp đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp, huy động đa dạng các nguồn lực nhà nước và tư nhân”.
Cơ hội đã có, nhưng để vượt qua khó khăn thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, “quan trọng hàng đầu vẫn là sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng”.
Toàn cảnh hội nghị |
Vì vậy, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược.
Tại hội nghị này, đại diện các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cũng bàn nhiều về các vấn đề của tài chính toàn diện tại Việt Nam để có thể đưa ra nhiều giải pháp thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính. Ngoài ra, cần áp dụng các nhóm giải pháp về phía người tiêu dùng tài chính và các giải pháp hỗ trợ khác, như xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tài chính toàn diện…
Bên cạnh đó, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh đến vai trò của việc mở rộng số lượng người tiếp cận tài chính toàn diện với chi phí hợp lý, dịch vụ đáng tin cậy. Để làm được điều đó, “mọi dịch vụ ngân hàng đều được làm trên chiếc điện thoại di động, chừng nào chúng ta không làm được điều đó có nghĩa là chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện”, ông Dũng nói.
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho biết đã lồng ghép các mục tiêu của tài chính toàn diện vào trong kế hoạch kinh doanh và quá trình chuyển đổi số.
Đơn cử với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ hướng tới đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Theo đó, Ngân hàng đa dạng các kênh phân phối, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng; sắp xếp hệ thống mạng lưới hoạt động các kênh phân phối truyền thống tại chi nhánh, quầy giao dịch… an toàn, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm giao dịch lưu động, tổ vay vốn…
Cùng chung giải pháp này, Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) cũng có những điều chỉnh kế hoạch riêng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc TYM cho biết Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương đã mở rộng phạm vi địa lý, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi; đa dạng hóa sản phẩm; đổi mới hệ thống công nghệ thông tin; hiện thực hóa chiến lược bằng một số biện pháp như lập kế hoạch mở rộng đia bàn hàng năm; xây dựng hệ thống core banking (hoàn tất chuyển đổi trong 2020)…
Với nhiều giải pháp được đề ra, lãnh đạo NHNN mong muốn trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.
“Đây cũng đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vũng của hệ thống tài chính nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định.