Thương mại điện tử xuyên biên giới
Nền tảng thương mại điện tử giúp DN nhỏ vượt khó | |
Để phát triển thương mại điện tử bền vững | |
Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu |
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ năm 2015. Dịch COVID-19 bùng phát và lây lan từ năm 2020 đã đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến của Việt Nam theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT bán lẻ duy trì ổn định, tăng đều trên 20%/năm, từ 4,8 tỷ USD năm 2015 lên 13,7 tỷ USD năm 2021. Số lượng người mua sắm trực tuyến đã tăng từ 30,3 triệu người lên 54,6 triệu người vào năm 2021, có thể đạt 57-60 triệu người năm 2022. Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của 1 người cũng tăng từ 160 USD vào năm 2015 lên 251 USD vào năm 2021 và ước tính đạt 260-285 USD năm 2022. Ngoài ra, doanh thu TMĐT theo mô hình B2C (Business to Consumer - những giao dịch giữa doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ và người dùng cuối cho sản phẩm/dịch vụ đó) tăng trưởng nhanh hơn tổng doanh số bán lẻ, theo đó, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ đã tăng từ 2,8% năm 2015 lên 7,0% vào năm 2021 và ước đạt 7,2-7,8% vào năm 2022.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo thuận lợi xuyên biên giới thông qua việc hoàn thiện khung khổ pháp lý qua việc ban hành và triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; hoàn thiện các cơ chế một cửa quốc gia, các văn bản về thương mại điện tử cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các FTA (CPTPP, RCEP, EVFTA).
Cùng với đó hạ tầng ICT được cải thiện đáng kể. Việt Nam đạt vị trí 25/194 quốc gia về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS được triển khai tại 100% chi cục hải quan. Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không.
Với những kết quả trên, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã vượt tiến độ thực hiện các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO. Đáng chú ý là Việt Nam đã tham gia Hiệp định khung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc.
"Hiệp định CPTA có thể hỗ trợ các hoạt động trao đổi dữ liệu điện tử quốc gia và xuyên biên giới, đảm bảo tuân thủ các cam kết thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Ngoài ra, Hiệp định hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp thương mại không giấy tờ xuyên biên giới không chỉ với các đối tác thành viên ASEAN và cả các đối tác thương mại ngoài ASEAN", ông Dương cho biết.
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cả thương mại không giấy tờ nói chung và thương mại không giấy tờ xuyên biên giới nói riêng. Tuy nhiên, đánh giá năm 2021 cho thấy hoạt động giao dịch không giấy tờ của Việt Nam kém so với các quốc gia thành viên khu vực ESCAP và Đông Nam Á. So với các nền kinh tế APEC khác, Việt Nam còn thiếu các cơ chế hỗ trợ cho thương mại kỹ thuật số.
Để giải quyết những vấn đề này ông Nguyễn Anh Dương khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng tăng mức độ sẵn sàng về cả kỹ thuật và pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Trong đó, ưu tiên xây dựng năng lực kỹ thuật cho thương mại không dùng giấy tờ xuyên biên giới; Xây dựng các hệ thống CNTT phục vụ cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới (hải quan, băng thông, hệ thống ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng...); Xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia để kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ ngành và chính quyền địa phương trên cả nước thông qua kết nối với nền tảng chia sẻ của chính quyền địa phương.
Đồng thời, thực hiện các chương trình nâng cao năng lực để thúc đẩy thương mại không giấy tờ và thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Việt Nam cũng cần làm việc với các đối tác - đặc biệt là các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác khác có FTA với Việt Nam - để tìm hiểu khả năng và các yêu cầu liên quan nhằm tiếp tục kết nối và trao đổi dữ liệu, chứng từ điện tử liên quan đến giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Về góc độ pháp lý, Việt Nam cần cân nhắc khẩn trương sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn liên quan để gia tăng niềm tin của các bên tham gia giao dịch điện tử; Cải thiện môi trường pháp lý phù hợp với các yêu cầu của FTA để mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam được bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân một cách hiệu quả thông qua các công nghệ kỹ thuật số thân thiện với TMĐT và thương mại không giấy tờ. Đồng thời hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý để thúc đẩy đổi mới trong hệ thống thanh toán ngân hàng quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập.
Ông Dương nhấn mạnh, chúng ta cần cải thiện môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu của FTA và nghiên cứu, đánh giá mức độ sẵn sàng cho các điều khoản thương mại không giấy tờ xuyên biên giới trong Hiệp định Đối tác Kinh tế số của Singapore và Úc và Hiệp định Đối tác Kinh tế số của Singapore, New Zealand và Chile.