Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu
Ông Trần Tuấn Dũng, nhà sáng lập thương hiệu Chicnchill chia sẻ, khởi nghiệp trong giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách do Covid-19, Chicnchill đã tìm thấy lối đi riêng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan lát cói xiên đầy bản sắc Việt để khẳng định mình. Thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sản phẩm đan lát trang trí nhà cửa của Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế, làm đẹp và kết nối con người với thiên nhiên ngay trong không gian sống của mình từ nhiều nơi trên thế giới.
Thời gian đầu, Chicnchill tiến hành thử nghiệm kinh doanh một số sản phẩm đồng loạt trên một số nền tảng nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng. Nhưng thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm để thương hiệu này mạnh dạn hơn khi chính thức “lên sàn” Amazon vào đầu năm 2020.
Ảnh minh họa. |
“Global Selling - bán hàng xuyên biên giới, giống như một cuốn sách mở cho một người khởi nghiệp trái ngành như tôi. Tôi tham gia các khóa học và chủ động liên hệ để nhận được các tư vấn trực tiếp của đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam để có thêm kiến thức về tính năng, công cụ, nguồn hỗ trợ từ Amazon. Ngoài ra, tôi được truy cập và cập nhật về những xu hướng mua hàng của người tiêu dùng đối với thương hiệu của tôi”, ông Dũng cho biết.
Lựa chọn nhóm sản phẩm phù hợp và định hướng kinh doanh dựa vào lợi thế Fulfillment by Amazon (FBA) đã mang đến thành công bất ngờ. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon, mây tre Việt qua các sản phẩm thủ công trang trí Chicnchill được đón nhận và yêu thích trên Amazon chỉ trong vòng một năm ra mắt. Trong tương lai, mục tiêu của Chicnchill là đạt mức tăng trưởng 200-300% mỗi năm.
Tương tự, hơn 20 năm trong ngành gia dụng, thiết bị nhà bếp tại Việt Nam, Sunhouse đang tiến ra thế giới bằng cách bắt nhịp với dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới. Đưa thiết bị nhà bếp chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tinh tế thẩm mỹ để giành vị thế cho “Made in Vietnam” trên sân nhà, tạo đà vươn ra thế giới.
Đến nay, Sunhouse vẫn giữ vững được vị thế của mình với nhiều nhóm sản phẩm chiếm gần 40-50% thị phần. Sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse cũng sớm có mặt tại các quốc gia Đông Nam Á lân cận như Myanmar, Malaysia, Indonesia… Đây cũng là doanh nghiệp Việt sở hữu chuỗi nhà máy sản xuất gia dụng lớn nhất cả nước với 10 nhà máy đang hoạt động và 2 nhà máy trong quá trình xây dựng.
Ông Lê Tùng - Giám đốc chiến lược, Giám đốc Marketing Tập đoàn Chicnchill, cho biết nếu doanh nghiệp tự đơn phương tìm hiểu về một thị trường thì sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, thì con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể.
Chọn lựa hợp tác với Amazon được ví von như có được “tấm hộ chiếu thông hành”, giúp Sunhouse tiếp cận khách hàng quốc tế trực tiếp, không cần trung gian xuất khẩu hay trung gian bán lẻ, với tầm nhìn mang gia dụng “Made in Vietnam” vươn tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
ưSunhouse trở thành một trong những thương hiệu gia dụng Việt đầu tiên gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra niềm tin, một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt đang tìm đường vươn ra thế giới và có cho mình chỗ đứng riêng trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh thu kinh tế internet của Việt Nam vào năm 2025 có thể đạt tới 57 tỷ USD, vượt qua hầu hết quốc gia trong khu vực như Thái Lan (56 tỷ USD), Philippines (40 tỷ USD), Malaysia (35 tỷ USD), Singapore (27 tỷ USD) và chỉ đứng sau Indonesia (146 tỷ USD). Trong đó, doanh thu mảng thương mại điện tử của Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 39 tỷ USD, ngang Singapore và đứng sau Indonesia.
Một số chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, để một doanh nghiệp tự tìm hiểu và tham gia vào một thị trường hoàn toàn mới sẽ cần thời gian dài trong vài năm, song nếu hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử, quá trình đó sẽ được rút ngắn, doanh nghiệp có thể nhanh chóng, tự tin đưa sản phẩm của mình ra quốc tế.
Với sự hỗ trợ của sàn thương mại quốc tế, đơn vị tiến hành các khảo sát để nắm bắt nhu cầu khách hàng, từ đó tập trung các sản phẩm với các tính năng, đặc điểm phù hợp với khách hàng sở tại nhất có thể. Nhờ đó, dù không ít doanh nghiệp Việt mới gia nhập sàn thương mại điện tử nhưng tốc độ tăng trưởng đã vượt mức kỳ vọng, trung bình có starup đạt mức tăng trưởng 160 - 200% mỗi tháng, trong đó có các sản phẩm thường xuyên “cháy hàng”.
Với tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian tới.