Để phát triển thương mại điện tử bền vững
Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu | |
Sàn điện tử rối với yêu cầu cung cấp thông tin | |
Chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử |
Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada logistics Việt Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thương mại điện tử vẫn có sự tăng trưởng vượt trội. Đến năm 2022, dù không còn được như vậy, nhưng theo dự báo của các chuyên gia thì mức độ tăng trưởng vẫn đạt từ 10-20% và dự báo trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 là khoảng 17%, nghĩa là phát triển ổn định.
Một báo cáo khảo sát mới đây của Lazada cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt đã mua sắm mỗi tháng một lần trên nền tảng thương mại điện tử và 83% có thói quen tìm kiếm những sản phẩm mình cần ở đây. Cùng với đó, 50% khách hàng đã quyết định mua mà không có dự tính trước nào cả. Tất cả những con số này chứng tỏ thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có những thay đổi mạnh mẽ.
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần có các giải pháp đồng bộ về con người, công nghệ và hạ tầng |
"Các sàn thương mại điện tử đã định hình được thói quen mua sắm của người tiêu dùng và 98% người tiêu dùng Việt đã từng ít nhất một lần đặt những hàng qua Lazada. Kết quả này được xây dựng khảo sát với trên khoảng 40.000 người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á và khoảng 1.800 người tiêu dùng ở Việt Nam. Qua đó, chúng tôi có thể kết luận rằng các sàn thương mại điện tử vẫn đã và đang là nền tảng giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận đối với người tiêu dùng nhiều hơn", bà Trúc Anh chia sẻ.
Sau đại dịch, các doanh nghiệp đã có những bước chuyển đổi, có những định hướng về kinh doanh dài hạn hơn. Tuy nhiên, khi đó, các sàn thương mại điện tử đã làm gì để giúp cho doanh nghiệp có những chiến lược đường dài tốt hơn, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng? Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững về thương mại điện tử nhưng họ cũng đang gặp phải những khó khăn lớn.
“Thứ nhất, đó là thiếu công cụ quản lý và vận hành. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, không có đầu tư lớn. Đó là một trong những thách thức lớn; Thứ hai là những chi phí cho nhân sự chuyên trách ở từng khâu vận hành và quản lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp rào cản về chi phí và thời gian giao nhận”, bà Trúc Anh cho biết thêm.
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần có các giải pháp đồng bộ về con người, công nghệ và hạ tầng. Mới đây, Lazada đã xây dựng một trung tâm quản lý và vận hành, tích hợp những nhà bán, gọi là Lazada Center. Đơn vị này cung cấp những chức năng, ví dụ như thiết kế gian hàng, hoặc quản lý đơn hàng, quản lý các chiến dịch marketing… hoặc phân tích những báo cáo bán hàng. Điều đó sẽ giúp cho mỗi gian hàng hoặc doanh nghiệp đang kinh doanh ở trên nền tảng của Lazada biết được xu hướng hiện tại của khách, cách thức vận hành quản lý trên các gian hàng đó mỗi ngày và làm sao để tối ưu hóa được lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Trưởng ban Kiểm tra - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần cố gắng hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng mẫu mã và phải đảm bảo các vấn đề pháp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thương mại điện tử cần xác định rõ các đối tượng khách hàng, thị trường tiềm năng. Qua đó, có thể lựa chọn thị trường, những sản phẩm kinh doanh phù hợp.
Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Cùng với đó, việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, bền vững tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp.