Tiến đến Net Zero: Sẽ có sàn giao dịch tín chỉ các-bon
Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi doanh nghiệp FDI đang dùng công nghệ lạc hậu Định vị vai trò của ngân hàng trong tăng trưởng xanh Xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” năm 2023 |
Nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, có khả năng đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu đang có xu hướng, diễn biến ngày càng phức tạp cả về mức độ lẫn tần suất. Vì vậy, hướng tới phát triển xanh, bền vững là xu hướng tất yếu.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo. |
Cụ thể, về hệ thống chính sách thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định của pháp luật, hướng đến bảo vệ môi trường thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách: Một là, các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường… Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định hiện tại áp dụng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với thuế giá trị gia tăng, hiện quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải (tín chỉ các-bon) không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hóa nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Chẳng hạn như dịch vụ về vườn hoa, công viên, cây cảnh, vận chuyển hành khách bằng xe điện được miễn thuế giá trị gia tăng. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm như xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường...
Về phía ngành Ngân hàng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết cùng với nguồn lực của Nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.
Thực hiện Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng cũng như NHNN đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt trong quá trình điều hành, NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh.
“Năm 2017, khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%”, bà Giang thông tin.
Toàn cảnh Hội thảo |
Song, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thừa nhận hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh do mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành Ngân hàng thì đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu, xem xét quyết định cấp tín dụng.
Sẽ sớm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô-la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Trong đó, hành trình khử các-bon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Phiên Tọa đàm mang tên "Lợi thế người dẫn đầu" |
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như: Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.
Đối với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.
Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.