Định vị vai trò của ngân hàng trong tăng trưởng xanh
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh | |
Hành động nhanh và quyết liệt để hướng tới tăng trưởng xanh |
Phát biểu tại Tọa đàm “Vai trò và kinh nghiệm của ngân hàng trung ương trong thúc đẩy tín dụng xanh” được tổ chức chiều 11/5, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cam kết đưa phát thải ròng về “0” đến năm 2050 tại Hội nghị COP26 và Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lựng công bằng với Việt Nam.
Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết, Chính phủ giao NHNN thực hiện huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cơ chế chính sách, chế tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng xanh, nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh… "Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách tín dụng xanh và thực tiễn triển khai và rất cần thiết để hỗ trợ NHNN nghiên cứu, định hướng và thực hiện tốt vai trò của ngân hàng trung ương trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", ông Vũ chia sẻ quan điểm.
Thực tế trong thời gian qua, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tín dụng xanh. Cụ thể, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; tăng cường triển khai đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh, thực hiện đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số đối với ngành Ngân hàng, đặc biệt về tín dụng, ngân hàng xanh. NHNN cũng hỗ trợ các TCTD tiếp nhận nguồn hỗ trợ quốc tế để cho vay ưu đãi cho các dự án xanh.
NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh |
Nhờ những nỗ lực trên, hiện có 39/129 TCTD phát sinh dư nợ xanh, đạt hơn 500.524 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% dư nợ tín dụng của nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm tỷ trọng 46,7%) và nông nghiệp xanh (chiếm tỷ trọng hơn 31%). Có 34/129 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ trọng gần 20% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế).
Ông Martijn Regelink - Chuyên gia tài chính cao cấp WB chia sẻ, tại Việt Nam, ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên, tỷ lệ tài chính xanh hiện nay tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng là dưới 5%. Thực tế, các bên liên quan đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, bao gồm thiếu năng lực hiểu biết về các dự án xanh và rủi ro môi trường/xã hội/quản trị; thiếu các dự án khả thi về mặt tài chính…
Ông Martijn Regelink cho biết thêm, theo yêu cầu của NHNN, WB hiện đang xây dựng chương trình hợp tác dài hạn để khắc phục những hạn chế đó như cải thiện môi trường pháp lý và hoạt động cho tín dụng xanh trong lĩnh vực ngân hàng; tìm các giải pháp tài trợ dài hạn liên quan đến khí hậu và tích hợp vào thị trường tài chính địa phương, lồng ghép các yếu tố khí hậu, môi trường vào các chính sách vào quy định.
Ngoài ra, chương trình cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN trong việc xây dựng khung pháp lý và năng lực thúc đẩy cho vay xanh, đánh giá các lựa chọn chính sách để kích thích tạo ra các công cụ xanh; hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và các NHTM trong việc xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn để lồng ghép rủi ro khí hậu vào khuôn khổ quy định, giám sát và hoạt động cho vay các ngân hàng.
Đại diện của WB cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển tín dụng xanh ở một số quốc gia trên thế giới. Đơn cử như NHTW Bangladesh yêu cầu các NHTM và tổ chức tín dụng phi ngân hàng phân bổ 5% trên tổng danh mục cho vay của mình cho các lĩnh vực xanh. Hay NHTW Ấn Độ đã yêu cầu 40% tổng dư nợ tín dụng của NHTM cho vay hỗ trợ một loạt các lĩnh vực ưu tiên định hướng xã hội. Thực tế hình thức này có thể góp phần giảm rủi ro tổng thể trong danh mục đầu tư của ngân hàng; khuyến khích chi phí vốn trực tiếp cho các định chế tài chính để cung cấp nợ với chi phí thấp hơn cho các dự án xanh.
Để khuyến khích các NHTM cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xanh, cắt giảm khí thải carbon, NHTW các nước như Trung Quốc, Ấn Độ... đã cho các ngân hàng vay tái cấp vốn với lãi suất thấp. Theo đánh giá của ông Martijn Regelink, ưu điểm của hình thức này đó là có thể đo lường được tín dụng cho các lĩnh vực xanh, góp phần giảm rủi ro khí hậu trong danh mục đầu tư của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc này có thể giảm nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng đối với các ngành công nghiệp chuyển đổi; và có thể tạo nguy cơ bong bóng xanh ở một số ngành.