Tiền Giang: Dư nợ quỹ tín dụng đạt gần 1.100 tỷ đồng
NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) năm 2023.
Tại đây, theo tổng hợp từ 16 QTDND trên địa bàn cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2023, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng này đạt khoảng 1.462 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 5,82% so với cuối năm 2022, đạt khoảng gần 1.100 tỷ đồng.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang, hệ thống QTDND tại địa phương thời gian qua hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Tất cả các quỹ đều kinh doanh có lãi. Nguồn vốn vay hỗ trợ cho khoảng hơn 22.300 thành viên ở 64 phường, xã trên địa bàn có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay của các quỹ, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chế biến nông sản đã được xây dựng, đời sống xã viên được nâng lên rõ rệt.
NHNN chi nhánh Tiền Giang chỉ đạo hệ thống QTDND trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm. Ảnh: Thanh Giang |
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua, nhiều QTDND tại Tiền Giang đã tích cực trong hoạt động thúc đẩy cho vay vốn tiêu dùng, phục vụ đời sống; cho vay xây dựng nông thôn mới.
Các QTDND cũng đã gia nhập hệ thống chuyển tiền CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã và đang nỗ lực đầu tư nguồn lực nhằm chuyển đổi số, số hóa quy trình nghiệp vụ để tăng hiệu quả cung ứng vốn tín dụng, phục vụ nhu cầu tài chính hợp pháp của xã viên.
Trong tháng 10 vừa qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang và Cục Thuế tại địa phương cũng đã hỗ trợ các hợp tác xã (trong đó có các QTDND) tập huấn nâng cao nghiệp vụ về thuế và hoàn thiện kiểm toán nội bộ nhằm hoạt động hiệu quả, minh bạch.
Trong các tháng cuối năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang yêu cầu hệ thống QTDND trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường, củng cố hệ thống QTDND), triển khai tích cực các biện pháp tiết giảm chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Song song đó, tăng cường phát triển thành viên, mở rộng quy mô cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mùa cao điểm cuối năm, vì đến hiện nay tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay ở nhóm QTDND mới đạt khoảng 5,56% (so với cuối 2022), thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn.