Đồng bộ cơ sở pháp lý cho QTDND
Hệ thống QTDND từng bước củng cố, phát triển ổn định Chuyển đổi số tại các QTDND: Quan trọng nhất là quyết tâm |
Quản lý chặt tỷ lệ an toàn vốn
Theo Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2015/TT-NHNN của NHNN, các quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của các QTDND được bổ sung nội dung “tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi so với vốn chủ sở hữu”. Cụ thể, trước ngày 31/12/2024, các QTDND sẽ phải sửa đổi quy định nội bộ để đảm bảo tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi so với vốn điều lệ không vượt quá mức 20 lần. Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả, các pháp lý liên quan đến quy định nội bộ về quản lý an toàn vốn và quản lý thanh khoản tối thiểu của các QTDND.
Hệ thống QTDND hoạt động ngày càng hiệu quả và kiểm soát rủi ro tốt hơn |
Về giới hạn cho vay, để thống nhất với các quy định đã được thể hiện trong Luật Các TCTD 2024 (sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024), dự thảo thông tư quy định, đối với các khoản vay có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các QTDND phải thông qua hội đồng quản trị, nhằm đảm bảo quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định chi tiết đối với trường hợp QTDND được xác định là “có nguy mất khả năng chi trả”. Cụ thể, nếu quỹ thiếu hụt tài sản “có” có thể thanh khoản ngay ở mức 20% trở lên tại thời điểm thanh toán, và thiếu hụt tỷ lệ này trong vòng 3 tháng liên tục sẽ được coi là có nguy cơ mất khả năng chi trả. Ngoài ra, nếu QTDND không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ liên tục trong 1 tháng (tính từ ngày đến hạn) hoặc tỷ lệ nợ xấu của quỹ đạt từ 15%/tổng dư nợ cũng được xếp vào diện có nguy cơ mất khả năng chi trả, cần phải báo cáo với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
Cùng với việc xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2015/TT-NHNN, hiện NHNN cũng đang hoàn thiện thông tư quy định về phân loại tài sản có của TCTD là hợp tác xã. Trong dự thảo văn bản này, các quy định về “khoản nợ”, cách xác định “khoản nợ quá hạn” đều được bổ sung, làm rõ. Nguyên tắc phân loại nợ cũng được quy định chặt chẽ, kế thừa các pháp lý đã được triển khai theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và đồng bộ với các quy định mới tại Luật Các TCTD 2024.
Tạo điều kiện cho các quỹ đổi mới
Theo Hiệp hội QTDND Việt Nam (VAPCF), cùng với Luật Các TCTD 2024, việc NHNN tích cực hoàn thiện các văn bản pháp lý như kể trên đã tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống QTDND đổi mới, nâng cao hiệu quả và quy mô hoạt động. Đồng thời phòng ngừa tốt các rủi ro có thể xảy ra như mất thanh khoản, đổ vỡ...
Ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng thư ký VAPCF cho rằng, các quy định mới trong Luật Các TCTD 2024 đã minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan đến TCTD. Riêng với các QTDND quy định “người có liên quan” thu hẹp hơn với các loại hình TCTD khác sẽ hạn chế rủi ro thao túng đối với các quỹ. Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan cũng sẽ giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro phát sinh nợ xấu.
Luật Các TCTD 2024 và các dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng trong thời hạn 5 năm (đối với khách hàng và người liên quan) sẽ giúp các QTDND có thời gian xử lý các món vay lớn, tránh đứt gãy vốn vay đột ngột. Các quy định cho phép TCTD (bao gồm QTDND) được kéo dài thời hạn nắm giữ tài sản đảm bảo bằng bất động sản 5 năm (thay vì 3 năm) cũng tạo điều kiện thuận lợi để các quỹ có thời gian phối hợp, xử lý thu hồi nợ, giảm áp lực bán tháo tài sản và hạn chế tổn thất.
Về nghiệp vụ liên quan đến phân loại nợ, đảm bảo đáp ứng các phương pháp tính toán, thống kê, báo cáo về thông tin tín dụng khách hàng. Theo đại diện các QTDND, việc NHNN bỏ các nội dung quy định về phân loại nợ theo phương pháp định tính (trong dự thảo thông tư về phân loại tài sản “có” của TCTD là hợp tác xã) rất phù hợp với điều kiện hiện tại của các QTDND. Vì hiện nay đa số các quỹ chưa đủ tiềm lực về công nghệ và nhân sự để thực hiện phân loại nợ theo phương pháp này. Trong khi đó, các QTDND vẫn được Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC) hỗ trợ về thông tin nhóm nợ của khách hàng từ các TCTD khác.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CIC cũng thông tin, hiện nay đơn vị này đang gấp rút triển khai các quy định của Thông tư 15/2023/TT-NHNN trên toàn hệ thống. Riêng đối với QTDND các phương pháp, biểu mẫu thu thập, báo cáo về thông tin tín dụng khách hàng cũng có nhiều thay đổi. Vì thế, CIC sẽ sớm phối hợp với các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tổ chức các hội nghị tập huấn trên từng địa bàn, đảm bảo các QTDND tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định mới của Thông tư 15/2023/TT-NHNN và các văn bản pháp lý mới được NHNN sửa đổi, bổ sung.