Bán lẻ tăng vượt dự đoán
Báo cáo doanh số bán lẻ của Bộ Thương mại Mỹ mới công bố cho thấy, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ đều tăng mạnh trong tháng 10, cao hơn các dự báo đưa ra. Doanh số bán lẻ tăng cao hơn dự kiến khi các hộ gia đình đẩy mạnh mua ô tô và nhiều loại hàng hóa khác, cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng vào đầu quý IV và điều này có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Cụ thể, doanh số bán lẻ tăng 1,3% trong tháng 10 (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái) sau khi dậm chân tại chỗ trong tháng 9. Trước khi báo cáo được công bố, các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters đã dự báo doanh số bán hàng sẽ tăng nhưng chỉ ở mức 1%.
Theo giới phân tích, các yếu tố giúp đóng góp tích cực vào doanh số bán hàng trong tháng 10 có thể kể tới như: Việc hoàn thuế một lần ở California, nơi một số hộ gia đình có thể nhận được tới 1.050 USD; Amazon đã tổ chức đợt khuyến mãi Prime Day thứ hai vào tháng trước… Doanh số bán hàng tăng mạnh trong tháng 10 được dẫn đầu bởi xe ô tô, với doanh thu tại các đại lý ô tô tăng trở lại 1,3%, phản ánh sự cải thiện đáng kể về nguồn cung.
![]() |
Doanh số bán lẻ tăng trưởng tích cực trong khi áp lực lạm phát giảm bớt đang được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái |
Doanh số bán hàng cũng tăng nhờ giá xăng dầu cao hơn, với biên lai tại các trạm dịch vụ tăng 4,1%. Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng 1,2%; hàng nội thất tăng 1,1%; bán hàng tại các địa điểm ăn uống, tăng 1,6%... Trong khi đó, doanh số bán tại các cửa hàng điện tử và thiết bị giảm 0,3%; doanh thu tại các cửa hàng bán đồ tổng hợp, đồ thể thao, nhạc cụ, sách… cũng giảm và doanh số bán tại các cửa hàng quần áo không thay đổi.
Liên đoàn bán lẻ quốc gia dự báo, doanh số bán hàng trong dịp nghỉ lễ cuối năm nay sẽ tăng từ 6% đến 8%. Mặc dù đây là một mức giảm mạnh so với mức 13,5% được ghi nhận vào năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% trong 10 năm qua. Triển vọng lạc quan về mua sắm trong kỳ nghỉ lễ cuối năm đã phần nào bị lu mờ bởi kết quả kinh doanh xấu đi trầm trọng của đại gia bán lẻ Target Corp và dự báo của tổ chức này về triển vọng doanh thu kém khả quan dịp nghỉ lễ cuối năm. Vào thứ Tư, Target cho biết lợi nhuận của họ giảm 52% trong quý III vừa qua, đồng thời cảnh báo kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ “ảm đạm” khi lạm phát cao và "những thay đổi đáng kể" trong hành vi của người tiêu dùng là nguyên nhân khiến nhu cầu đối với mọi thứ từ đồ chơi đến đồ đạc trong nhà sẽ sụt giảm.
Kỳ vọng “hạ cánh mềm”
Lạm phát tăng vọt tất yếu tác động đến tiêu dùng thực tế cũng như niềm tin tiêu dùng. Tuy nhiên, tại một thị trường dựa chủ yếu vào tiêu dùng như Mỹ, vẫn có những yếu tố hỗ trợ để vượt qua cơn bão lạm phát. Những khoản tiết kiệm không nhỏ tích lũy được trong đại dịch COVID-19 và tiền lương tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt (tỷ lệ thất nghiệp thấp) về cơ bản đã giúp người tiêu dùng Mỹ vượt qua (chấp nhận) mức giá cả cao hơn. Các yếu tố hỗ trợ này dự kiến sẽ giảm dần vào năm tới khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm giảm nhu cầu tổng thể, gây áp lực lên thị trường lao động và nền kinh tế. Trong khi đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp nhiều khả năng cũng đã cạn kiệt khoản tiết kiệm có được trong giai đoạn đại dịch.
Bên cạnh đó, tâm lý sẵn sàng vay để chi tiêu luôn hiện hữu trong nền kinh tế tiêu dùng hàng đầu thế giới này. Cho đến nay, dù có những tác động tiêu cực từ lạm phát cao, nhưng yếu tố này cũng chưa thay đổi nhiều. Dữ liệu từ Fed New York công bố hôm thứ Hai cho thấy, tổng số tiền vay đã tăng 351 tỷ USD trong quý III vừa qua, cho thấy các hộ gia đình vẫn đang “mạnh tay” vay để duy trì chi tiêu.
Dù gánh nặng nợ ngày càng tăng có thể là một trở ngại đối với chi tiêu, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhưng các nhà kinh tế cho rằng trở ngại đó sẽ chỉ ở mức hạn chế. “Mức nợ không phải là vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng, mà họ quan tâm hơn đến các khoản phải thanh toán hàng tháng cần thiết để trả nợ. Tỷ lệ trả nợ và nghĩa vụ tài chính vẫn ở mức thấp nhất kể từ những năm 1980, đây là một minh chứng cho sức mạnh tài chính hộ gia đình hiện nay, xét về tổng thể”, Ryan Sweet, Kinh tế gia trưởng tại Oxford Economics ở West Chester, Pennsylvania, cho biết.
Cho đến nay sau 6 lần tăng lãi suất với 4 lần tăng mạnh 0,75% liên tiếp gần đây, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 3,75-4% và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Tuy nhiên với đà tăng của lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh, khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất xuống ngay trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Theo công cụ FedWatch của Tập đoàn CME, thị trường tài chính đang đặt cược Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 0,5% tại cuộc họp chính sách ngày 13-14 tháng 12 tới. Những kỳ vọng này cũng được củng cố bởi một báo cáo riêng mới nhất từ Bộ Lao động cho thấy, giá nhập khẩu đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10 vừa qua.
Nếu loại trừ ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống, doanh số bán lẻ tăng 0,7% trong tháng trước. Dữ liệu cho tháng 9 cũng đã được sửa đổi, theo đó doanh số bán lẻ tăng 0,6% thay vì chỉ 0,4% như báo cáo trước đó. Doanh số bán lẻ lõi gắn rất chặt chẽ với cấu phần chi tiêu của người tiêu dùng trong GDP. Có lẽ vì sự cải thiện của doanh số bán lẻ này nên Fed Atlanta mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý IV lên 4,4% từ mức 4% đưa ra trước đó.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,6% trong quý III sau khi suy giảm trong nửa đầu năm. Nhưng sản xuất chậm lại và tích lũy hàng tồn kho giảm có thể hạn chế đà tăng trưởng trong quý này. Theo một báo cáo khác từ Bộ Thương mại, hàng tồn kho của doanh nghiệp chỉ tăng 0,4% trong tháng 9, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021. Tuy nhiên một số chuyên gia tin rằng, các dữ liệu mới nhất cho thấy khả năng kinh tế Mỹ sẽ thoát được “hạ cánh cứng”. Paul Ashworth, Kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics, nhận định: “Dường như sau tất cả các khó khăn, chúng ta đang trong khả năng có thể hạ cánh mềm”.
Hồng Quân
Nguồn: