Tín dụng chính sách: Động lực giảm nghèo nơi đảo xa
Là một trong 3 cán bộ đầu tiên tham gia điều hành, tác nghiệp ở tổ chức tín dụng đặc thù này, ông Nguyễn Hiếu Trung, Giám đốc NHCSXH Phú Quốc chia sẻ, với định hướng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà chuyên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nên ngay từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức, đồng thời tổ chức chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi về tận xóm, ấp, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
NHCSXH Phú Quốc giao dịch tại xã đảo biên giới Thổ Chu |
Trải qua 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện đảo xa xôi trước kia, nay là thành phố đảo ngọc sầm uất, tổng nguồn vốn của NHCSXH Phú Quốc đến 30/6/2022 là 269 tỷ đồng, tăng 265 tỷ đồng, gấp hơn 63,6 lần so với khi mới thành lập (năm 2003).
Kết quả này đã góp phần khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nơi đảo xa đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Qua đó đã chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất, vừa tăng cường chuyển ủy thác nguồn vốn ngân sách qua NHCSXH gần 50 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các đối tượng chỉ định trên địa bàn vay, phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với tập trung huy động nguồn vốn lớn, NHCSXH Phú Quốc đã kiên trì thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù là cho vay trực tiếp có ủy thác một số công việc thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội. Hiện tại, các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên không chỉ trực tiếp tham gia quản lý đến 98,9% tổng dư nợ vốn chính sách của thành phố, mà còn tham gia gắn kết chặt chẽ 4 nhà: “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)” chung tay, hợp lực giúp người dân vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn hiệu quả.
Đặc biệt, trong những năm qua, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng Tổ TK&VV ở Phú Quốc đã góp phần quan trọng vào việc bình xét cho vay đúng đối tượng, công bằng, dân chủ và làm cầu nối chuyển tải kịp thời, an toàn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hệ thống 151 Tổ TK&VV tại xóm ấp, khu phố ngày càng có đủ sức mạnh hoạt động kết nối cùng 9 Điểm giao dịch xã, phường, tạo thành mạng lưới phủ kín khắp địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách hoàn thành nhiệm vụ “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.
Từ chỗ chỉ có 3 cán bộ từ Agribank chuyển sang, đến nay NHCSXH Phú Quốc đã có đủ cán bộ biên chế ở các bộ phận điều hành, tác nghiệp, trong đó 100% có trình độ đại học chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, kinh tế. Lực lượng cán bộ này đã “3 cùng” với bà con nơi đây: cùng bám sát cơ sở; cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể địa phương; cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế.
Sự tận tâm, đồng hành cùng người nghèo với hình ảnh người cán bộ tín dụng chính sách trong trang phục áo hồng hoa sen đã trở nên gần gũi, đẹp đẽ trong mắt đồng bào hải đảo Phú Quốc, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn 0,28%.
Các thông tin về tín dụng chính sách xã hội được NHCSXH Phú Quốc niêm yết tại các điểm giao dịch |
Điểm nổi bật trong hành trình 20 năm của tín dụng chính sách ở Phú Quốc chính là tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến 30/6/2022 đạt 268,4 tỷ đồng, dư nợ bình quân 39 triệu đồng/hộ, giúp cho hơn 4.000 lượt hộ dân vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, cụ thể như phát triển nuôi cá lồng bè, bò sinh sản, thâm canh rau màu theo công nghệ VietGap, mở rộng vườn cây ăn quả, hoa kiểng…
Dòng chảy vốn tín dụng chính sách ở Phú Quốc đã được khơi thông, chảy đều đặn suốt 20 năm qua, tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống, hỗ trợ tiếp sức nhiều doanh nghiệp vay vốn chính sách để trả lương lao động ngừng việc bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế theo các nghị quyết mới ban hành của Chính phủ.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của NHCSXH Phú Quốc, ông Đoàn Công Thiệt, Phó giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Kiên Giang cho biết, phòng giao dịch NHCSXH Phú Quốc cần tiếp tục chủ động tham mưu cho các ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn của NHCSXH cấp trên. Tập trung nguồn vốn đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm phục vụ cho SXKD, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; phấn đấu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao; nâng suất đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt dư nợ bình quân trên 40 triệu đồng/hộ; giảm tỷ lệ hộ nghèo và nghị quyết của địa phương đề ra.