Tín dụng nội bộ không phải hoạt động ngân hàng
Chính phủ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) | |
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Nội dung liên quan đến tín dụng nội bộ còn “mờ nhạt” |
Về tên gọi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, tránh các hệ lụy và tác động của việc thay đổi tên gọi như: các chi phí xã hội phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật; cũng như việc phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.
Về hoạt động tín dụng nội bộ (Điều 79, Điều 82), một số ý kiến cho rằng hoạt động này tiềm ẩn rủi ro khi trình độ quản lý tại các loại hình hợp tác xã không tương thích, do đó cần thiết bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; đề nghị làm rõ hoạt động tín dụng nội bộ có phải là hoạt động ngân hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng hay không; đề nghị bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết về tín dụng nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn trong hoạt động của các hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện” và tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật là cần thiết vì thực tế thành viên hợp tác xã có huy động tín dụng nội bộ, nhưng việc huy động này chưa được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý tại Điều 82, thay đổi thuật ngữ “hoạt động tín dụng nội bộ” thành “hoạt động cho vay nội bộ” và khẳng định hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng; đồng thời bổ sung quy định về điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc như việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ thực hiện hoạt động cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không sử dụng nguồn vốn huy động từ thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Riêng hoạt động huy động vốn từ các thành viên đã được quy định tại Điều 79.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh việc cho phép thực hiện hoạt động cho vay nội bộ tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện thì cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các nguồn lực của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Giải trình ý kiến đề nghị quy định chuyển tiếp về hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13, vì kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành thì không có hoạt động tín dụng nội bộ, thay vào đó là hoạt động cho vay nội bộ và huy động vốn từ thành viên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết đã tiếp thu và thể hiện tại khoản 3 Điều 113, quy định: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn hợp đồng”.
Làm rõ các ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế; bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan; chính sách về đất đai đối với hợp tác xã cần bảo đảm, thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến; chính sách tín dụng đối với hợp tác xã cần bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của Luật các Tổ chức tín dụng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết đã tiếp thu, rà soát và chỉnh lý các quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; làm rõ tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã; điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều (Điều 20 - Điều 27) quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 20-NQ/TW), phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết đối với từng nội dung chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Về quỹ chung không chia, tài sản chung không chia (Điều 83, Điều 85, Điều 86), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, quỹ chung không chia và tài sản chung không chia là một đặc trưng riêng của hợp tác xã so với loại hình kinh tế khác. Quỹ chung không chia là nguồn hình thành và phát triển tài sản chung không chia; quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia cho thành viên trong quá trình hoạt động. Theo nguyên tắc số 04 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế thì quỹ chung không chia (hay tài sản chung không chia) cần được trích lập hằng năm nhằm phát triển tài sản chung của hợp tác xã, thu hút các thành viên tham gia, gắn bó với hợp tác xã, để phát triển phong trào hợp tác xã đồng thời cũng hạn chế việc hợp tác xã giải thể, chuyển đổi. Các nguồn hình thành quỹ chung không chia được quy định tại Điều 83, trong đó có thu nhập từ giao dịch nội bộ và thu nhập từ giao dịch bên ngoài của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do Điều lệ quy định nhưng tỷ lệ trích lập tối thiểu từ giao dịch bên ngoài là 5% đối với hợp tác xã và 10% đối với liên hiệp hợp tác xã, nếu đặt tỷ lệ cao hơn sẽ khó hấp dẫn cá nhân, tổ chức tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì thực tế quy mô và tính liên kết của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở Việt Nam còn hạn chế.