Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Nội dung liên quan đến tín dụng nội bộ còn “mờ nhạt”
Quang cảnh Phiên họp. |
Tạo thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức kinh tế hợp tác
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích của dự án Luật là sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật Hợp tác xã năm 2012 gồm 9 Chương, 64 Điều), bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung chính, trong đó một trong những chính sách quan trọng liên quan đến: Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển.
Theo đó, dự án Luật sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt một tỷ lệ cứng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, trong khi tại Luật Hợp tác xã năm 2012 thì Chính phủ quy định chi tiết, Nghị định 107/NĐ-CP quy định tỷ lệ không quá 50%.
Bên cạnh đó, dự án cũng sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu, hoặc quyền hưởng dụng đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp; việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.
Đồng thời, làm rõ quy định tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật (dự kiến Chính phủ sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn để bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật của ngành Ngân hàng).
Bổ sung quy định hạch toán, kế toán riêng giao dịch bên trong và bên ngoài của các tổ chức kinh tế hợp tác làm căn cứ thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức này (dự kiến Chính phủ sẽ giao Bộ Tài chính hướng dẫn).
Bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài, do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia; tài sản chung không chia lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, bị hư hỏng, hết khấu hao thì được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của điều lệ và đưa vào quỹ chung không chia.
Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong mọi trường hợp, kể cả khi giải thể, phá sản. Tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 30% lên 40% vốn điều lệ.
Còn nhiều ý kiến khác nhau
Tuy nhiên, một số nội dung tờ trình còn nhận được các ý kiến khác nhau. Về hoạt động tín dụng nội bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy các quy định về tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Tuy nhiên, các nội dung này tại dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, chưa cụ thể.
Chính phủ dự kiến giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về nội dung này, tuy nhiên theo ông Thanh, cần làm rõ về nội hàm, điều kiện để hợp tác xã được thực hiện tín dụng nội bộ, cách thức triển khai và quản lý hình thức tín dụng này, đồng thời phải quy định về nguyên tắc của hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất với Luật các Tổ chức tín dụng vì tín dụng là hoạt động mang tính đặc thù và tiềm ẩn rủi ro cao. Trường hợp có quy định không phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng thì phải nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể.
Ngoài ra, cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực của hợp tác xã.
Về trích lập quỹ chung không chia, các quy định tại dự thảo Luật liên quan đến vấn đề này chưa phản ánh rõ nét việc trích lập quỹ từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài; chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thóat, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên hợp tác xã đồng thuận với việc để lại một phần thu nhập của mình để đầu tư phát triển hợp tác xã trong khi thu nhập của các thành viên so với mặt bằng thu nhập chung của các thành phần kinh tế khác là không cao.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể trong việc bàn giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia sau khi hợp tác xã giải thể, phá sản sang cho hợp tác xã khác nhằm bảo đảm nguyên tắc trong việc bảo hộ quyền sở hữu đã được quy định tại Điều 32 của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và nguyên tắc đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật về việc Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức kinh tế hợp tác.