Tín dụng tái cơ cấu nông nghiệp đô thị
Tín dụng tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp đô thị | |
Kết nối ngân hàng với nông nghiệp đô thị |
Chính sách dùng ngân sách cấp bù lãi vay của TP.HCM đã kích thích các TCTD mở rộng cho vay vào nông nghiệp nông thôn |
Hơn 73.500 tỷ đồng đổi mới tam nông
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (Sở NN&PTNT), trong giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn TP.HCM huy động để phát triển nông thôn mới là gần 73.556,7 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Trung ương đóng góp gần 61,23 tỷ đồng (chiếm 0,08%); ngân sách địa phương đóng góp khoảng 14.100 tỷ đồng (chiếm 19,14%), các DN và người dân tại tất cả các quận huyện đóng góp khoảng 4.921,6 tỷ đồng (chiếm 6,69%). Số vốn vay của các NHTM trên địa bàn, với khoảng 59.400 tỷ đồng, chiếm gần 74,1%.
Trong gần 10 năm qua, từ chính sách dùng ngân sách hỗ trợ lãi vay từ 50%-100% của UBND thành phố đã kích thích các TCTD mở rộng nguồn vốn tín dụng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại TP.HCM đã phát huy hiệu quả rất tích cực ở tất cả các quận, huyện. Theo đó, lũy kế từ 2011 đến nay, các NHTM trên địa bàn TP.HCM đã phê duyệt cho vay ưu đãi lãi suất đối với trên 24.200 lượt nông dân, DN, hợp tác xã, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.102,6 tỷ đồng, tổng vốn vay đạt khoảng 7.959,1 tỷ đồng.
Sự tham gia tích cực của các TCTD, Sở NN&PTNT cho biết, trong vòng gần 10 năm (2010-2019) đã góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp – nông thôn ở tất cả các quận, huyện tại TP.HCM đã có sự đổi thay đáng kể. Các kế hoạch, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp đều gặt hái những thành tựu đáng ghi nhận.
Cụ thể, đến tháng 11/2019 hầu hết các xã tại TP.HCM đều đạt 18,73/19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Trung ương. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngoại thành TP.HCM đạt gần 63,1 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 300% với năm 2008). Số hộ nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/hộ/năm chỉ còn chiếm 0,41% trong tổng hộ dân tại 5 huyện ngoại thành.
Ở mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp, kết quả thực hiện cũng rất rõ nét. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, các quận huyện tại TP.HCM đã chuyển được gần 2.000 ha đất lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị cao như rau màu, hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản... Lợi nhuận của người nông dân trồng lúa sau khi chuyển đổi, tăng từ 17-50 lần so với trước, nhiều mô hình trồng rau, hoa cảnh có doanh thu từ 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng có kết quả tương tự. Trong vòng 10 năm, TP.HCM tập trung phát triển đàn bò sữa, lai tạo đàn bò thịt cao sản và phát triển chăn nuôi heo công nghiệp khiến sản lượng sữa bò tươi và bò sữa giống tăng trưởng mạnh, nhiều mô hình nuôi bò sữa, bò thịt cho doanh thu 440 - 500 tỷ đồng/năm. Sản xuất thủy sản nhờ chuyển dịch theo hướng thâm canh kết hợp áp dụng kỹ thuật cao, các địa phương giáp biển (như huyện Cần Giờ) đã phát triển mô hình nuôi tôm, nuôi nghêu, hàu cho giá trị kinh tế lớn.
Vốn mồi hiệu quả cho đầu tư công
Theo UBND TP.HCM, trong 10 năm qua nhờ việc tập trung được nguồn lực cho các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành nên kết quả đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng ở các quận, huyện đều có chuyển biến tích cực.
Đến tháng 11/2019 TP.HCM đã duy tu, nâng cấp và xây dựng mới hơn 1.200 công trình giao thông; đầu tư gần 500 công trình thủy lợi; sửa chữa xây mới gần 200 công trình trường học, 600 công trình văn hóa và xây dựng hơn 1.000 cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (bao gồm chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn giá…).
Nhờ vốn mồi từ ngân sách địa phương và nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất của các NHTM (theo các hạng mục xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp), khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư đã khiến bộ mặt cơ sở hạ tầng có nhiều thay đổi. Các dự án đầu tư công tại các quận huyện được đẩy nhanh tiến độ (cả thi công và giải ngân vốn).
Theo đó, đến cuối tháng 11/2019, cả thành phố có 17 dự án đầu tư công đã được phê duyệt triển khai tại các khu vực nông thôn với tổng mức đầu tư trên 3.890 tỷ đồng, trong đó hơn nửa đã được triển khai giải ngân vốn. TP.HCM cũng đã hoàn thành và quyết toán Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm – LIFSAP với tổng mức đầu tư trên 117,3 tỷ đồng (từ nguồn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ).
Trong tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phê duyệt, giải ngân các dự án, hạng mục hạ tầng nông thôn tại 5 huyện ngoại thành.
Theo đó, các sở, ngành phụ trách các tiêu chí và Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi sẽ được UBND TP.HCM chỉ đạo lên kế hoạch, phân kỳ tiến độ thực hiện các tiêu chí cấp xã, cấp huyện, nhanh chóng phân bổ nguồn vốn đầu tư đến các dự án.
Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng trung tâm cấp huyện. Mục tiêu chung của TP.HCM là phấn đấu đến quý 1/2020, 54/56 xã tại các huyện ngoại thành đều đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng cao; 2 huyện Cần Giờ và Bình Chánh tiếp tục được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới để đến cuối 2020 vùng nông thôn TP.HCM sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở tất cả các tiêu chí, hạng mục.