Kết nối ngân hàng với nông nghiệp đô thị
Dòng tiền đổ mạnh vào nông nghiệp | |
Công nghệ tạo lực bẩy cho nông sản Việt Nam | |
Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao |
Ngày 19/2 tới đây, UBND TP.HCM và NHNN chi nhánh thành phố sẽ tổ chức Hội nghị kết nối chuyên đề lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP.HCM năm 2019. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ DN của hệ thống ngân hàng TP.HCM trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 116 của Chính phủ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vừa có hiệu lực trong năm qua, mà một trong những điểm nhấn là cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Ảnh minh họa |
Để tạo nguồn cung các sản phẩm nông sản tại chỗ trong những năm gần đây TP.HCM đã trích ngân sách ra cấp bù lãi suất cho DN sản xuất rau sạch bên cạnh những chính sách tín dụng nông nghiệp của Chính phủ. Riêng hệ thống ngân hàng, số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 1/2019 tổng dư nợ cho vay tam nông trên địa bàn đã vào khoảng 105 ngàn tỷ đồng.
Đợt này, NHNN chi nhánh TP.HCM lấy huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ làm 2 địa bàn chính để theo dõi, đánh giá hiệu quả chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Từ đó có đánh giá tổng kết triển khai thực hiện Nghị định 116 về cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, Agribank được giao nhiệm vụ chính trong việc cung ứng vốn tín dụng lãi suất thấp và các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nhà sản xuất nông nghiệp từ đó tạo ra tính lan tỏa ra các ngân hàng khác đầu tư nguồn lực tài chính cho nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo các ngân hàng, Nghị định 116 và Thông tư 25/2018/NHNN đã giải quyết cơ bản những tồn tại vướng mắc trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, quy định mới đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nội dung về cá thể và tổ chức vay vốn tín dụng, tài sản đảm bảo... Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Đặc biệt, cụ thể hóa hạn mức tiền vay không có tài sản đảm bảo đối với mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, DN làm nông nghiệp công nghệ cao. Những hỗ trợ về mặt lãi suất theo chính sách tín dụng của Chính phủ sẽ thiết thực đối với người nông dân nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
NHNN chi nhánh TP.HCM trong những tháng cuối năm vừa qua cũng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo tất cả các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện các quy định mới về chính sách tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng dẫn mới của NHNN Việt Nam. Riêng các chi nhánh của Agribank ở TP.HCM chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện có hoạt động nông nghiệp sôi động để thông tin đến người dân, hộ gia đình và các doanh nghiệp biết được quyền tiếp cận vốn tín dụng chính sách của Chính phủ theo Nghị định 116. Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM đứng vai trò đầu mối tiếp nhận thông tin, kiến nghị và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Chính phủ.
TP.HCM vốn là địa phương đi đầu trên cả nước về nông sản sạch, nhưng nhiều năm qua quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ chưa tạo ra những cánh đồng lớn có tính đột phá để có thể cung ứng một lượng lớn các sản phẩm rau củ quả sạch cho một đô thị lớn trên 10 triệu dân.
Hiện nay, nguồn rau củ quả từ các tỉnh, thành lân cận và nhập khẩu đổ về 3 chợ đầu mối chính (Tam Bình, Tân Xuân, Bình Điền) của TP. HCM mỗi ngày khoảng 30-40 ngàn tấn rau củ quả các loại, chưa kể hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi với các kênh cung ứng nông sản. Khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở TP.HCM được chính quyền thành phố nhấn mạnh đến vai trò nông nghiệp đô thị ở các quận, huyện ngoại thành.
Theo đó, nhu cầu vốn cần rất lớn mới có thể đáp ứng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư các thiết bị chống chọi với thiên nhiên và xây dựng chuỗi phân phối để bảo vệ nông sản sạch đến tận căn bếp của người tiêu dùng.