Tín dụng tam nông hướng vào chuỗi liên kết
Tổ vay vốn - cánh tay nối dài tín dụng tam nông Agribank Ea Kar: 100% tín dụng đầu tư vào “tam nông” |
Tháng 7/2024, sau khi nhận tài trợ 75 triệu USD (tương đương với gần 2.000 tỷ đồng quy đổi theo tỷ giá hiện hành) từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), VPBank đã rót thêm số vốn tương ứng để chính thức vận hành chương trình tín dụng tài trợ có trị giá 150 triệu USD dành cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê. Theo VPBank, trước mắt gói tài trợ tín dụng này sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với mức lãi suất ưu đãi. Song song với đó, ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa điều kiện tiếp cận vốn vay và giúp khách hàng kết nối kinh doanh thông qua nền tảng tài trợ chuỗi cung ứng trực tuyến của ngân hàng này.
Cũng trong tháng 7, sau khi thành công với các mô hình tài trợ vốn cho các chuỗi liên kết nuôi tôm công nghệ cao và chuỗi thu mua - chế biến thủy sản, NamABank chính thức triển khai thêm chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng doanh nghiệp thuộc chuỗi giá trị ngành chè. Theo đó, ngân hàng này sẽ cho vay ngoại tệ với mức lãi suất từ 3,8%/năm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chè để bổ sung vốn lưu động.
Thực tế cho thấy, hoạt động thúc đẩy triển khai các sản phẩm vay dành cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay ngày càng được nhiều NHTM quan tâm. Trên thị trường, ngoài Agribank đang cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh và cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp; lần lượt các ngân hàng khác như LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Hai ngân hàng HDBank, MB đầu tư khá mạnh vào các chuỗi sản xuất lúa gạo, trong khi đó MSB tài trợ tới 95% nhu cầu vốn cho các mô hình chuỗi giá trị nông sản tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi |
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tăng trưởng tín dụng trong nhóm ưu tiên thì lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng 2,17% chiếm tỷ trọng cao nhất. Ngoài ra, ngành Ngân hàng từ giữa tháng 7/2023 có gói 30.000 tỷ đồng dành cho vay ưu đãi lãi suất lĩnh vực lâm thủy hải sản tính đến cuối tháng 6/2024 đã giải ngân được 31.000 tỷ đồng; trong đó Agribank dẫn đầu với quy mô giải ngân 6.738 tỷ đồng, BIDV hơn 6.000 tỷ đồng và Vietcombank 5.000 tỷ đồng. |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hiện nay trên cả nước đã có gần 2.050 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các ngành hàng nông, lâm thủy sản được hình thành, thu hút hàng triệu hộ dân và hơn 1.200 hợp tác xã tham gia xây dựng, vận hành.
Với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu nông, thủy sản, theo đánh giá của các chuyên gia Công ty chứng khoán Mirae Asset, trong các năm tới lợi thế của các doanh nghiệp “cầm trịch” chuỗi giá trị nông, thủy sản sẽ ngày càng lớn và các mô hình chuỗi sẽ có sức hút ngày càng cao với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh tài chính tại các địa phương. Điều này đồng nghĩa việc nhu cầu vốn để tạo lập, phát triển, hoàn thiện và mở rộng các chuỗi giá trị sẽ ngày càng lớn và là cơ hội để NHTM tăng trưởng tín dụng cho nhóm khách hàng nằm trong các liên kết chuỗi.
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong khoảng hai năm trở lại đây, kế hoạch đầu tư cho tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của nhiều địa phương đã có sự chú trọng đáng kể đến hoạt động xây dựng các vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản có thế mạnh. Tại Đồng Tháp, các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng sen và cây hoa kiểng phát triển khá mạnh và ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng với diện tích hàng chục nghìn hecta. Tại Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre các mô hình chuỗi giá trị ngành hàng thanh long, sầu riêng và dừa thu hút hàng chục nghìn hộ dân và các hợp tác xã tham gia. Bên cạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có doanh nghiệp lớn, hiện nay các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cũng đã khá “trưởng thành” và mở rộng quy mô trở thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực khép kín ở cấp xã và cấp huyện. Hệ thống TCTD ở các địa phương này cũng đã kết nối đẩy mạnh cho vay vào nhóm các mô hình liên kết này.
Với định hướng mở rộng tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tín dụng xanh của ngành Ngân hàng, thời gian tới theo nhận định của một số NHTM, mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu sẽ tiếp tục là đích đến của tín dụng tam nông và sẽ có mức tăng trưởng ngày càng cao ở các địa phương.