Tín dụng tăng trưởng 11,34%, hệ thống ngân hàng TP. Hồ Chí Minh bơm thêm hơn 400 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối năm năm 2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3,943 triệu tỷ đồng, tăng 11,34% so với cuối năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 chỉ thấp hơn năm 2022 (tăng 13,8%), cao hơn các năm 2023 (tăng 9,8%), năm 2021 (tăng 11,9%), năm 2020 (tăng 10,4%).
Trong đó, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm khoảng 65-67%, dư nợ còn lại là tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản.
Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội |
Nhu cầu vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng. Kết thúc năm 2024, tổng dư nợ cho vay ngoại tệ trên địa bàn đạt 158.000 tỷ đồng (quy đổi, tăng 4,24% so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay vốn bằng VND và ngoại tệ ở mức thấp trong thời gian qua, cùng với đó là dịch vụ ngoại hối, thanh toán, bảo lãnh… đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trong năm 2024. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 đạt mức 62,5 tỷ USD, mức tăng trưởng cao nhất từ sau đổi mới đến nay.
Tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn đến từ các kênh hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gói tín dụng lâm thủy sản; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do kinh tế tác động hậu dịch Covid-19…
Trần lãi suất cho vay vốn ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 4%/năm, tạo định hướng lãi suất đầu ra trên thị trường. 5 nhóm lĩnh vực bao gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là những lĩnh vực động lực tăng trưởng và có tiềm năng phát triển của nền kinh tế. |