Tín dụng tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp đô thị
Tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn | |
Hiệu quả vốn ODA trong nông nghiệp |
Ảnh minh họa |
Báo cáo của Sở NN&PTNT TP.HCM cho thấy, trong vòng 7 năm vừa qua, với những chính sách nhất quán, liên tục của UBND TP.HCM và sự đồng hành xuyên suốt của các TCTD trên địa bàn, Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ.
Vốn mồi cho hàng triệu mô hình mới
Theo đó, trong vòng 7 năm (2011 – 2018), thực hiện theo các Quyết định 36/2011, 13/2013, 04/2016 và 655/2018, ngân sách TP.HCM đã chi ra khoảng trên 500 tỷ đồng hỗ trợ 50-100% lãi suất vay vốn NHTM cho hơn 24.100 hộ nông dân, DN và hợp tác xã để thực hiện các dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng các loại hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Từ nguồn vốn mồi của ngân sách TP.HCM, các NHTM trên địa bàn đã giải ngân cho vay gần 7.865 tỷ đồng đối với 23.800 hộ nông dân (trong đó có trên 3.100 hộ nghèo) và 26 DN ở các quận, huyện nhằm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị với tổng vốn đầu tư ước khoảng gần 12.900 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, nguồn vốn các NHTM cho vay đối với các phương án, mô hình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp thời gian qua đang có sự tăng trưởng mạnh cả về tổng dư nợ và hạn mức bình quân cho vay đối với từng dự án.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2017, bình quân mỗi dự án chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân chỉ vay được khoảng 300 triệu đồng/năm thì từ đầu năm 2018 trở lại đây mỗi phương án sản xuất kinh doanh đã có thể vay gần 500 triệu đồng/năm. Riêng trong năm 2018, các NHTM đã cho vay khoảng 818,5 tỷ đồng đối với trên 1.000 hộ dân. 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn tín dụng cũng đã giải ngân cho khoảng 300 khách hàng với gần 200 tỷ đồng dư nợ (bình quân 600 triệu đồng/hộ vay).
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, trong 7 năm vừa qua đã có trên 60.000 việc làm được tạo ra từ các dự án, mô hình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp có vay vốn từ các TCTD. Từ nguồn vốn vay NHTM, trong 4 năm (2014-2018) TP.HCM đã chuyển dịch được gần 2.500 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, tăng 500 ha diện tích trồng và phát triển thêm 400 ha rau trồng theo công nghệ cao. Tại các quận, huyện ngoại ô TP.HCM, mỗi năm có khoảng 2.100 hộ dân thực hiện các phương án chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp được các NHTM cho vay và ngân sách hỗ trợ lãi suất.
Nhờ vận hành chính sách xuyên suốt, mặc dù diện tích đất nông nghiệp tại TP.HCM thời gian qua liên tục giảm nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt mức 5,6%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ mức 282 triệu đồng/ha/năm (2013) lên gần gấp đôi vào năm 2018 (đạt 502 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập của người dân khu vực ngoại ô TP.HCM đạt mức trên bình quân 50 triệu đồng/năm (2018). Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí riêng của TP.HCM) giảm bình quân mỗi năm 4-5%.
Mở thêm nhiều đối tượng hỗ trợ lãi vay
Trong Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, mục tiêu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề theo hướng đô thị, tập trung vẫn được địa phương đặt nặng và đi kèm với nhiều hỗ trợ về mặt tài chính (cả ngân sách và ưu đãi tín dụng).
Theo đó, địa phương tiếp tục dùng ngân sách để hỗ trợ các mô hình, dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Các mô hình sản xuất muối, sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp khi chuyển sang nuôi thủy sản và trồng các loại cây mới sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hạ tầng. Các dự án phát triển nhóm ngành nông nghiệp chủ lực của TP.HCM (rau, hoa - cây cảnh, heo, bò sữa, tôm nước lợ…) tiếp tục được ngân sách cấp bù 70-100% lãi suất vay vốn để phát triển và mở rộng quy mô.
Để mở rộng thêm các đối tượng được ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất vay vốn NHTM, TP.HCM bổ sung các quy định hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn đối với các nhà máy giết mổ tập trung, các DN đầu tư nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh từ các nguồn rác thải. Ngân sách thành phố cũng sẽ hỗ trợ 50% chi phí thuê mặt bằng năm đầu tiên cho các cơ sở kinh doanh nông sản được sản xuất theo mô hình VietGAP. Các hợp tác xã nông nghiệp khi khuyến khích được xã viên tham gia sản xuất cũng sẽ được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/hộ để bổ sung vào nguồn vốn không chia. Trong khi đó các cán bộ trẻ, có năng lực làm việc quản lý tại các HTX sẽ được hỗ trợ mức lương cao gấp 3 lần mức lương tối thiểu vùng 1 hiện hành.
Ở góc độ tín dụng, phía UBND TP.HCM hiện nay đã giao chi nhánh NHNN tại địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ vay vốn các NHTM theo hình thức tín chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai đối với các mô hình, dự án có liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và ngân hàng).
Quan sát thực tế cho thấy, hiện các NHTM trên địa bàn cũng đã khá chủ động đổi mới hình thức cho vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM. Theo đó, trong năm 2018, chi nhánh Agribank tại Củ Chi đã cho vay vài chục tỷ đồng đối với dự án Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi theo hình thức tín chấp 80% tổng vốn đầu tư dự án. Đây là một dự án lớn của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội được chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng với kỳ vọng trở thành mô hình điểm phát triển các dự án nông nghiệp khép kín tại TP.HCM.
Ngoài ra, hiện nay Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (CCM) và 19 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn TP.HCM cũng đã có những cam kết tham gia đầu tư vốn để phát triển các hợp tác xã kiểu mới hoạt động như mô hình DN cổ phần. Các NHTM như BAC A Bank, Agribank thời gian qua cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để kết nối, đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình các hợp tác xã làm ăn hiệu quả. Vì vậy, khi có sự hỗ trợ tài chính nhiều hơn từ ngân sách thì cơ hội gia tăng nguồn lực và tiếp cận nguồn vốn vay của các mô hình kinh tế tập thể tại TP.HCM sẽ có sự khởi sắc hơn trong các năm tới.