Tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng làm việc với UBND tỉnh Bến Tre và các TCTD trên địa bàn | |
Nông nghiệp sẽ khởi sắc với các thiết bị 4.0 |
Ảnh minh họa |
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
Theo báo cáo của NHNN Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2019, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện đang đứng thứ 7/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), về quy mô đạt 36.698 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2018. Tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm và chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt. Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ tín dụng là 33.621 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng khu vực là 6,06% và tốc độ tăng của toàn quốc là 7,33%). Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,76% tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của toàn khu vực các tỉnh vùng ĐBSCL (1,58%).
Ông Lê Công Thành - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bến Tre cho biết: NHNN Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ và của Ngành, trong đó các chi nhánh NHTM Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong triển khai thực hiện. Cụ thể thông qua chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, các TCTD đã cho vay 7.854 tỷ đồng (chiếm 23,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn); cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 và 116 của Chính phủ chiếm 61,8% tổng cho vay trên địa bàn trong nửa đầu năm…
Lắng nghe báo cáo của hoạt động ngân hàng 6 tháng cũng như những kiến nghị của các TCTD trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo ghi nhận những đóng góp của ngành Ngân hàng nói chung, các chi nhánh ngân hàng nói riêng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua, góp phần giải quyết nạn tín dụng đen. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.
Với việc cho vay phát triển ngành dừa - 1 trong 8 sản phẩm được đưa vào kế hoạch phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tại việc phát triển ngành dừa trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đầu tư tín dụng. Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn chủ yếu cho vay đối với các thương lái, doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu, trong khi các nhu cầu vay về trồng mới, cải tạo, chăm sóc vườn dừa còn hạn chế...
Tích cực triển khai giải pháp tín dụng cho khu vực
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá cao công tác cải cách hành chính của tỉnh đã tạo lập được môi trường đầu tư hiệu quả để thu hút DN.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bến Tre, Thống đốc cho biết, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tín dụng cho khu vực; tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định mặt bằng lãi suất hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh Bến Tre.
Xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung, lĩnh vực sản xuất chế biến trái cây xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng dừa nói riêng là những lĩnh vực ưu tiên và ngành Ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư trên địa bàn tỉnh, Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn chuyển dịch cơ cấu tín dụng tập trung vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp khu vực theo hướng phát triển bền vững.
Song song với hoạt động tín dụng, các TCTD trên địa bàn cũng cần tập trung huy động, cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các công trình, dự án kinh tế có hiệu quả, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, cần phối hợp với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thống đốc cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ đối với các khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn, các khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn như cơ cấu lại nợ, miễn/giảm lãi vay… theo quy định để khách hàng ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất; chỉ đạo TCTD cân đối nguồn vốn tham gia thực hiện các đề án, dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu trên toàn khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Song song với đó tạo thuận lợi về cơ chế, quy chế, thủ tục và điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng đề nghị Tỉnh uỷ Bến Tre tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách tín dụng; hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; góp phần hạn chế tín dụng đen; hỗ trợ ngành Ngân hàng thu hồi nợ vay…
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trao số tiền 500 triệu đồng của NHNN ủng hộ cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Bến Tre. HDBank đã trao 500 triệu đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh cùng 200 triệu đồng cho Làng Trẻ em SOS tỉnh do Vietjet Air ủng hộ. Đồng thời, lãnh đạo VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV đã trao tài trợ 10 tỷ đồng cho Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 - dự kiến diễn ra vào tháng 11/2019. |