Tính cách người Nam bộ trong kinh doanh
Rất mực chiều khách
Sau hơn ba thế kỷ khai phá, tạo dựng, vùng đất phương Nam vốn thoáng đãng, trù phú về các nguồn lợi tự nhiên; con người luôn hoà đồng với thiên nhiên… đã kết tạo nên những phẩm chất riêng có của người Nam bộ: cởi mở, thật thà, dễ gần, dễ mến… thấm sâu vào từng nếp nghĩ, việc làm của họ, rõ nhất là trong kinh doanh.
Trong kinh doanh của người Nam bộ, điều đầu tiên dễ nhận thấy là sự thoải mái, cởi mở, thân thiện. Bất kể hàng hoá gì cũng đều được bày biện ê hề, luôn tạo cảm giác hết vơi lại đầy. Các thứ “đi kèm” món hàng cũng hết sức thoải mái. Trong việc ăn, đi kèm là ớt, tiêu, rau, nước mắm… được bày đầy bàn; riêng nước chấm có thể 5, 7 loại; ăn xong thường có khuyến mại trà đá, chè, trái cây… Trong việc uống, đơn giản chỉ kêu một ly cà phê, khách có thể uống trà đá vô tư và “ngồi đồng” cả ngày. Những khách hàng lui tới quán thường xuyên được coi là “khách ruột”, càng được tiếp đón nhiệt tình; thậm chí từ chỗ quen biết rồi quý nhau, khách và chủ trở thành bạn tâm giao.
Chợ Bến Thành nơi thể hiện rõ nhất tính cách người Nam bộ trong kinh doanh |
Người Nam bộ có nói thách cũng rất chừng mực, sao cho khách có thể mua được món hàng. Ở các vùng nông thôn, nếu khách là người nghèo khó, người bán thường bán rẻ, chấp nhận bán huề (hòa) vốn hoặc nửa bán nửa cho, thậm chí cho không món hàng. Đặc biệt, có rất nhiều món hàng mà người mua được “bao” luôn (nghĩa là được người bán cam kết về chất lượng); đã “bao” là an tâm, dù giá cả có tăng thêm chút ít. Với người Nam bộ nói chung, mà điển hình là khu vực Chợ Lớn ở Sài Gòn có đông người Hoa, chữ “tín” trong kinh doanh luôn được đặt lên hàng đầu; việc đặt cọc cũng chủ yếu là “thủ tục”. Những lô hàng trị giá tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ, nơi bán cách nơi mua hàng ngàn cây số, nhưng mọi giao dịch về số lượng, chất lượng, giá cả… đều bằng “văn bản miệng” và qua điện thoại là chủ yếu.
Cùng với đó, trong các quán hàng, khi khách vào, nhân viên thường đem dù (ô) ra đón, tiễn khách khi trời mưa. Khách cần món gì dù ở đó không bán nhưng vẫn sẵn sàng đi mua dùm. Nửa đêm khuya khoắt, cần một tô hủ tiếu nóng, một ly cà phê… chỉ cần điện thoại đã có thể thưởng thức tại nhà, dù khách ở chung cư cao tầng hay cách quán cả cây số. Từ khá lâu, các dịch vụ khác như cơm hộp, dán xe, trang điểm, tẩm quất, trả thưởng xổ số, rồi công chứng giấy tờ, khám bệnh, mua hàng… đều có thể được phục vụ tận nhà.
Về tác phong, người Nam bộ vừa nhiệt tình, chu đáo, vừa nhanh gọn, tiện lợi; nghĩa là khó tìm thấy trên gương mặt hay trong cử chỉ, thái độ của họ sự mệt mỏi, rề rà khi bán hàng, dù là cuộc nhậu nhiều trăm hay ly trà đá một ngàn. Khi mua hàng, khách thoải mái chọn, thoải mái mặc cả, thậm chí hàng mua rồi vẫn cho đổi, cho trả. Nghĩa là khách mua được hàng chủ cũng mừng, mà chọn chán rồi không mua cũng cứ… vui. Khách dù lạ hay quen, khi thiếu tiền hoặc quên không mang tiền, người bán thường vui vẻ, với lý do “để còn có dịp lui tới”.
Tính chuyên nghiệp
Một đặc điểm nổi trội khác trong kinh doanh của người Nam bộ là tính chuyên nghiệp. Trên mọi phố phường các địa phương Nam bộ, rất nhiều những cửa hàng, cửa hiệu chuyên xe tay ga, chuyên tôm, chuyên cá… hay như tiệm bán cơm cũng “khu biệt” rõ ràng: có cơm gà (chỉ bán cơm với các món gà), cơm bà đẻ (chuyên cơm với các món ăn phục vụ các bà đẻ), cơm tấm, cơm lẩu, cơm hến… Vựa bán chuối thì hoàn toàn bán chuối; rồi vựa gạo, vựa dưa, vựa bưởi, vựa thơm… hay mới nhất như kinh doanh điện thoại cũng có rất nhiều cửa hàng với các “chức năng” riêng: chuyên mua bán các loại điện thoại, chuyên bán thẻ sim, thẻ cạc, chuyên sửa chữa, cài đặt, chuyên tân trang, dán đề - can… Hay chỉ một món cá và “thao tác kho”, đã có hàng loạt món vừa lạ mắt, lạ miệng với hương vị khác nhau: cá lóc kho, cá trê kho, cá rô kho, cá lòng ròng kho, cá hủn hỉn kho tiêu, cá sặc kho, cá chạch kho... Và riêng cách kho thôi, kể hết ra cũng đủ mỏi miệng: kho tiêu, kho tộ, kho riêu, kho quẹt, kho khô, kho mặn...
Cách quảng cáo trong kinh doanh của người Nam bộ cũng thật là độc đáo: “Dép xốp 15 ngàn/2 đôi”, “Mận ngọt 20 ngàn/nửa ký”, “Lẩu... 1 người”, “Cửa hàng 1 giá”, “Ăn ốc khuyến mại”, vải (may quần áo) bán ký, trái cây bán chục… tới mười hai, có tỉnh ở miền Tây, một chục là… mười sáu quả; hoặc “Thay nhớt tặng bia”, “mua cá tặng rau”, “mua ti vi tặng đầu đĩa”, “mua gạo tặng đường”… Đi kèm là những tên gọi dân giã, gần gũi mà khó quên: “Mười cá” (ông chủ này thứ mười trong gia đình, chuyên nghề bán cá), “Bảy thang” (thứ bảy, chuyên làm thang tre), “Năm thuyền” (chuyên đóng thuyền)… hay những tên quán vừa vui vừa ấn tượng: quán “Hến ơi” (chuyên các loại hến), “Siêu thị tôm sú”, “Tạp hoá Năm Nhớ”, “Quán nhậu Sáu Két”, “Cơm Vân Mập”, “Bún mắm Tư Thương”, “Nhà hàng Cỏ Lạ”, “Nhà hàng Sinh Đôi”, “Cà phê Vườn nhà ta”…
Người Nam bộ cũng rất sáng tạo trong kinh doanh. Một khoảnh sân công cộng có thể biến thành một “sân khấu” khá tươm tất để diễn trò, kết hợp bán đủ thứ hàng hoá trong những dịp lễ hội. Một bãi đất trống chờ giải toả, sau vài hôm đã thấy gạo, mắm, sách vở, quần áo, trái cây… bày bán la liệt. Ở những nơi đó cứ nhộn nhịp hẳn lên vì người mua được ồn ào và thoải mái chọn lựa, còn người bán thì thật hoạt bát, vui tính và gần như giá nào cũng “tới luôn”. Nét tính cách đó của người Nam bộ trong kinh doanh, bên cạnh biểu hiện sự năng nổ, linh hoạt về trình độ văn hóa vật chất, còn mang đậm chất văn hóa tinh thần của vùng đất “làm chơi ăn thật”. Tính cách ấy, trong xu thế hội nhập đang không ngừng được tiếp thu, sáng tạo, từng ngày góp vào đời sống những nét đẹp rất Nam bộ mà cũng rất Việt Nam.