TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sàn giao dịch thịt heo
Theo thống kê từ cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố sẽ tiêu thụ 10.000 con heo. Trong khi đó, 50 cơ sở giết mổ công nghiệp hiện tại trên địa bàn cũng chỉ cung cấp cho thành phố 5.500 con heo/ngày. Đây là lượng heo được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Số heo còn lại 4.500 con được các tỉnh thành khác xung quanh đưa về.
Tuy nhiên, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh mới phối hợp làm việc với các tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo, giải quyết được gần 1.500 con heo. Như vậy, vẫn còn lượng thịt heo tương đương 3.000 con chưa được kiểm soát lưu thông trên thị trường…
TP. Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng sàn giao dịch thịt heo để kiểm soát dịch bệnh cũng như giảm giá thành từ các khâu trung gian |
Từ năm 2018, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch và chấp thuận về chủ trương cho phép Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án sàn giao dịch thịt heo. Đến tháng 8/2023, Sở Công Thương thành phố đã cùng Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo.
Theo đó, nếu thực hiện tổ chức giao dịch mặt hàng thịt heo trên sàn giao dịch sẽ tận dụng, khai thác hạ tầng công nghệ, cơ sở pháp lý vốn có của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, thời gian thử nghiệm là hai năm.
Để lên sàn giao dịch, thịt heo phải có tiêu chuẩn đầu vào, nhà sản xuất bắt buộc phải tự mình điều chỉnh tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của sàn. Ngoài ra khi lên sàn, thịt heo bắt buộc phải giết mổ công nghiệp, không mổ thủ công, heo sẽ tự động được đưa về các lò mổ công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Về hiệu quả của sàn giao dịch thịt heo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng khi mua bán trên sàn giao dịch thịt heo, sản phẩm của các trang trại phải trải qua quy trình truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn gắt gao. Các trang trại đều đã đăng ký tham gia vào khâu truy xuất nguồn gốc nên công tác kiểm soát chất lượng trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, thông qua mô hình sàn giao dịch, các trang trại và doanh nghiệp sẽ trực tiếp giao dịch với người mua mà không cần thông qua các bên trung gian. Qua đó, thành phố kỳ vọng giá bán ra thị trường sẽ rẻ hơn bởi quá trình giao dịch trực tiếp giúp loại bỏ một số chi phí phát sinh.
“Việc thịt heo lên sàn giao dịch không những kiểm soát được an toàn thực phẩm mà còn kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh từ các địa phương khác vào thành phố”, ông Phương nói.
Sàn giao dịch thịt heo được thành lập thì nguồn cung heo sẽ tập trung vào các nhà máy giết mổ công nghiệp |
Thời gian qua, để giám sát quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở An toàn thực phẩm phối hợp tham mưu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện. Đồng thời, Sở An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương tăng cường hợp tác liên vùng, phối hợp với các tỉnh cung ứng thực phẩm để thiết lập quy chuẩn chất lượng đồng nhất, đảm bảo chất lượng thực phẩm nhất là thịt heo từ các nguồn cung cấp vào thành phố.
"Sau khi kiểm định, trang trại có thể tăng giá cho mặt hàng thịt heo có chất lượng tốt hơn. Ngược lại, đối với mặt hàng thịt heo không đạt chất lượng tốt bằng, phía cung cấp sẽ chủ động giảm giá. Chính sách này giúp các bên tham gia đảm bảo lợi nhuận tương xứng", ông Phương chia sẻ thêm.
Trong tương lai, các cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng sàn giao dịch thịt heo sẽ là "sân chơi" giúp các trang trại, doanh nghiệp kết nối với những sàn có quy mô quốc tế khác. Bên cạnh đó, các tỉnh thành khác trên cả nước cũng có thể triển khai theo mô hình sàn giao dịch thịt heo của TP. Hồ Chí Minh.
Khẳng định việc thành lập sàn giao dịch thịt heo là hướng đi đúng, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng thành phố cần triển khai nhanh và cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan.
“Theo phân cấp chuyên ngành, hoạt động chăn nuôi do ngành nông nghiệp quản lý, khâu giao dịch mua bán, tiêu thụ do ngành công thương quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban An toàn thực phẩm quản lý… do đó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý để chuỗi cung ứng thông suốt và sàn giao dịch hoạt động được hiệu quả”, ông Hòa nói.