TP. Hồ Chí Minh: Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đồng hành cùng thành viên
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 19 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang hoạt động, trong đó có 06 QTDND hoạt động trên địa bàn các huyện ngoại thành (Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè).
Theo số liệu đến cuối năm 2023, các QTDND trên địa bàn thực hiện huy động vốn từ người dân đạt 131.409 triệu đồng, dư nợ cho vay đạt 114.562 triệu đồng, chất lượng tín dụng được kiểm soát.
Thực tế cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng nói chung, các QTDND trên địa bàn thành phố đã có đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố, đặc biệt là trên địa bàn các huyện ngoại thành, cùng đồng hành với khách hàng, thành viên trong phát triển dịch vụ ngành nghề, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương để phát triển kinh tế địa phương, an sinh xã hội và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen có diễn biến ngày càng phức tạp.
Đại hội thành viên là hoạt động thường niên của các Quỹ tín dụng nhân dân |
Trong năm 2023, hầu hết các QTDND trên địa bàn đã hoàn tất việc xây dựng và phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, kế hoạch, mục tiêu tiên quyết của các QTDND trên địa bàn trong giai đoạn tới đều nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hoạt động, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống của khách hàng, thành viên của QTDND, tiếp tục có đóng góp tích cực, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương.
Với mục tiêu từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, bảo đảm cho hệ thống QTDND hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Năm 2024 chi nhánh sẽ thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành, văn bản chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước đến các QTDND trên địa bàn để thực hiện.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động các QTDND trên địa bàn.