TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc để về đích
TP. Hồ Chí Minh: Dư nợ cho vay xuất khẩu lãi suất ưu đãi đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng Đẩy mạnh vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ cấp bách của TP. Hồ Chí Minh |
Mặc dù đây là con số khá cao, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, vẫn trong tầm với của thành phố. Hiện, xuất khẩu, tiêu dùng trên địa bàn tiếp tục hồi phục và có xu hướng nhỉnh hơn mặt bằng chung cả nước. Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi, cộng thêm việc TP. Hồ Chí Minh quyết liệt triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, mức tăng trưởng cả năm 2024 có thể đạt mục tiêu đề ra. Điều này có cơ sở, bởi hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh dự báo sẽ tiếp tục nhận được lực kéo thuận lợi từ các thị trường xuất khẩu chủ lực, hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất-thương mại Tân Quang Minh cho biết, công ty và nhiều doanh nghiệp thành viên trong Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, thậm chí đến hết quý I/2025. Những nhóm hàng chủ lực là bún, gạo, nước uống trái cây đóng chai, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… “Không chỉ tăng trưởng về số lượng đơn hàng, mà năm 2024, các doanh nghiệp còn “bội thu” nhờ gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu”, ông Hiến cho biết.
Các doanh nghiệp cũng tăng tốc hoàn thành kế hoạch trong quý cuối năm |
Ngành lương thực thực phẩm đã đóng góp tích cực khi chỉ số sản xuất tăng hơn 3,3% so với cùng kỳ 2023. Một số nhóm hàng ghi nhận có tốc độ tăng trưởng rất cao như sản xuất dầu, mỡ động thực vật tăng 15%; sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 26,5%...
Tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Những tháng qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa của thành phố đạt hơn 413.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm có mức tăng cao như lương thực thực phẩm tăng gần 12% và nhóm hàng hóa khác tăng hơn 17%... Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), quý IV là thời gian cao điểm mua sắm của người dân do có nhiều lễ hội và Tết Nguyên đán. Do vậy, Saigon Co.op đã gia tăng nguồn hàng dự trữ, đồng thời chủ động làm việc sớm với các nhà cung ứng để đảm bảo ổn định giá thành sản phẩm, tránh tăng giá gây ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ quý III/2023.
Góp ý cho tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần gia tăng hoạt động xúc tiến giao thương có tính liên kết vùng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu sức mua. Hoạt động du lịch là nguồn thu ngân sách lớn cho thành phố, do vậy cần tận dụng tối đa những dịp nghỉ lễ, nhất là dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch để kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng cho ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.
Trước “bài toán” để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh vào quý IV năm 2024, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, trong những tháng cuối năm, thành phố phải sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai các kết quả của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2024; xây dựng kế hoạch hoạt động Trung tâm CMCN 4.0; phấn đấu chậm nhất tháng 12 đưa Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo vào hoạt động; hoàn thiện đề án sắp xếp các khu công nghiệp, trung tâm logistics...
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu từng sở, ban ngành, quận huyện tập trung quyết liệt để triển khai Chỉ thị của UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế đến năm 2025. Đối với giải ngân đầu tư công, thành phố tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả cao nhất 95% kế hoạch vốn được giao, đây là một trong những nhiệm vụ cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực để thực hiện.
“Thành phố tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, trong đó giải quyết các vấn đề nổi bật như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư; tập trung hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính, đẩy nhanh hồ sơ quy hoạch TP. Thủ Đức và TP. Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4, dự án đường sắt đô thị...; tăng cường thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; nghị quyết của HĐND thành phố về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Mãi nhấn mạnh.