TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hàng Việt Nam, cùng với đó là triển khai triệt để Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, phù hợp từng giai đoạn. Qua đó, ngành công thương huy động nguồn lực xã hội, các hệ thống phân phối định hướng hoạt động sản xuất An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch theo tín hiệu thị trường, làm cơ sở nhân rộng, xây dựng, hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn năm 2024 |
Ngành công thương thành phố cần đẩy mạnh chương trình kết nối cung cầu, ưu tiên kết nối phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng Việt cho sản phẩm nông sản, đặc sản các huyện ngoại thành thành phố và đặc sản vùng miền có tiềm năng của các tỉnh, thành bạn; sản phẩm của doanh nghiệp cung ứng tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường thuộc các chuỗi cung ứng tuần hoàn; sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP… Đồng bộ Chương trình Khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng, hình thành thương hiệu thành phố mua sắm, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, qua đó thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng Việt Nam.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu ngành công thương đẩy mạnh các hoạt động kết nối hàng Việt với các chuỗi phân phối, hệ thống bán lẻ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, các thị trường có đông người Việt sinh sống; Phối hợp UBMTTQ Việt Nam thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hàng năm tổ chức đoàn khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm về hoạt động quản lý và thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nội địa theo hướng bền vững, khai thác, phát huy lợi thế sức mạnh cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại các thị trường xuất khẩu..
Riêng với Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo đơn vị này chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xác lập quyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Sở Du lịch được giao nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm hàng hóa các vùng miền. Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND thành phố bố trí dự toán kinh phí theo phân cấp ngân sách để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương quận huyện vận động các đơn vị sản xuất trên địa bàn chủ động cam kết nâng cao chất lượng hàng hóa với các hệ thống phân phối. Đồng thời, các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không tiêu dùng sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo chất lượng; nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm kinh doanh tại các điểm, khu vực kinh doanh tự phát. Lãnh đạo các địa phương cũng cần tích cực truyền thông, hưởng ứng và triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, khuyến mại tập trung, vận động doanh nghiệp sản xuất, thương nhân đang kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và người dân trên địa bàn tham gia chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hưởng ứng “ngày không tiền mặt”, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối tiểu thương, phổ biến kiến thức thương mại điện tử, thúc đẩy các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và chứng từ điện tử…