Thị trường carbon: Tìm mô hình hiệu quả cho doanh nghiệp
Xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon Làm gì để giá tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn? |
Để chính thức vận hành thị trường carbon
Ông Hoàng Văn Tâm, chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, việc phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ hết sức quan trọng đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.
Theo ông Tâm, phát triển và vận hành thị trường carbon sẽ là cơ hội để huy động nguồn vốn xã hội tham gia vào hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa thị trường carbon vào vận hành. Đến năm 2029, Việt Nam sẽ có thị trường carbon đầy đủ.
"Từ nay đến năm 2028 là giai đoạn mà các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon, trong đó có vấn đề các quy định liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để tạo ra những tín chỉ carbon có chất lượng cao trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ phải có tầm nhìn dài hạn để đón trước, bắt kịp những xu thế và đấy chính là những cơ hội. Đồng thời, cũng là thách thức khi phải có kinh phí, có nguồn tài chính để đầu tư cho công nghệ này", ông Tâm cho hay.
Đánh giá năng lực, tiềm năng cũng như nhận thức của các doanh nghiệp đối với lĩnh vực này, ông Nguyễn Võ Trường An- Phó tổng giám đốc CTCP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động từ năm 2018. Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy điện. Số lượng tín chỉ không nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Chỉ khoảng 2 năm gần đây, nhất là khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023, chủ đề này mới thực sự nóng lên, cộng đồng và doanh nghiệp mới bắt đầu tập trung tìm hiểu.
Ông An chỉ rõ, trong cả 3 thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thiếu rất nhiều yếu tố. Đây thực sự là một thử thách lớn trong cuộc chơi toàn cầu. Theo ông An, những thách thức cơ bản của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon là nhân lực; phương thức vận hành; tài chính và thiết bị, công nghệ.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Björn Fondén, Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế (IETA) cho rằng, lợi ích với doanh nghiệp là được tham gia vào thị trường carbon trong nước và quốc tế, từ đó có thể mang lại doanh thu bổ sung; giúp thu hút nguồn vốn đầu tư xanh, nâng vị thế cạnh tranh từ hoạt động sáng tạo sản phẩm công nghệ tiên tiến. Điều này giúp doanh nghiệp tăng khả năng đổi mới công nghệ, thâm nhập thị trường mới; giảm rủi ro tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Võ Trường An, bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội vì thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam còn mới và non trẻ. Dư địa hiện tại về tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng còn rất nhiều. Việc áp dụng các công nghệ giảm phát thải trong nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, sẽ tạo ra những bước đột phá về giảm phát thải ngay khi triển khai.
Để giải quyết toàn diện các vấn đề, ông An đề xuất việc đẩy mạnh công cụ số, giúp các cấp, các ngành số hóa toàn diện, tiến tới có thể đo đếm, giám sát, kiểm toán carbon một cách chủ động, thay vì phụ thuộc vào quốc tế như hiện nay. Dù là thị trường carbon bắt buộc hay tự nguyện thì doanh nghiệp cũng phải biết là đang phát thải như thế nào, phát thải nhiều ở những quy trình nào và phải được đo đếm bằng những con số cụ thể.
Bàn về cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này, ông Hoàng Văn Tâm cho rằng, điều Việt Nam còn thiếu hiện nay là những quy định cụ thể. Trong lúc chờ các văn bản hướng dẫn, tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ hai vấn đề. Một là, hạn ngạch phát thải carbon. Dự kiến, những cơ sở phát thải lớn sẽ được Chính phủ giao hạn ngạch đến từng nhà máy. Hai là, tín chỉ carbon. Đây là sản phẩm từ rất nhiều hoạt động trong xã hội đóng góp và tạo ra để có thể mua bán trên thị trường. Với tỷ lệ che phủ rừng 42%, lâm nghiệp được kỳ vọng giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ thị trường carbon.