Hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới |
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để ngăn chặn những tổn hại do các hành vi nhập khẩu gây ra đối với hàng hóa sản xuất trong nước đã và đang trở thành thành xu thế chung của tất cả các quốc gia. Do đó, các chế định về PVTM đã trở thành nội dung quan trọng trong khuôn khổ pháp luật trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung, cũng như trong hệ thống luật pháp của từng quốc gia thành viên nói riêng. Trong đó, Luật PVTM luôn có vị trí quan trọng và được các nước áp dụng khá phổ biến để bảo vệ các sản phẩm ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh không lành từ hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hoặc sự gia tăng đột biến từ hàng hóa nhập khẩu.
Hoàn thiện pháp luật về phòng vệ thương mại là cấp thiết
Luật Quản lý ngoại thương (QLNT) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Ngày 15 tháng 01 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2018/ND-CP quy định chi tiết một số điều của Luật QLNT về các biện pháp PVTM (gọi tắt là Nghị định số 10/2018/NĐ-CP). Nghị định đã quy định chi tiết, cụ thể hóa các nguyên tắc của WTO về PVTM được nội luật hóa trong Luật QLNT khuyến khích thiết lập hành lang pháp lý về điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP được đánh giá là văn bản pháp lý xương sống cho hoạt động điều tra và ứng phó đối với lĩnh vực PVTM của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến về nhận thức và mối quan tâm về chính sách thương mại của Chính phủ trong tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế. Đặc biệt, đối mặt với giai đoạn chiến tranh thương mại toàn cầu gay gắt, nhiều rủi ro và thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là chủ trương đúng đắn, phù hợp bối cảnh thương mại quốc tế, góp phần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho công tác điều tra PVTM, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, đồng thời thúc đấy sự lớn mạnh của các ngành sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi chúng ta tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới.
Sau gần 07 năm thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã tiến hành tổng kết và lấy ý kiến của các Bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, qua đó cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Thứ nhất, một số quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa hoàn toàn tương thích với các quy định của WTO; Thứ hai, kết cấu của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đối với cả 03 biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chưa hoàn toàn phù hợp; Thứ ba, PVTM là lĩnh vực còn tương đối mới ở Việt Nam nên quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao quát được toàn bộ các tình huống phát sinh trên thực tế, đặc biệt là vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp PVTM.
Với sự tham gia mạnh mẽ và sôi động trong hoạt động thương mại toàn cầu, tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong những năm gần đây. Đây là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại; hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lân tránh thuế phòng vệ thương mại đối với những nước này. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc hoàn thiện quy định pháp luật về lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là vô cùng cấp thiết. Do đó Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định mới sửa đổi, bổ sung nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Nhiều quy định mới hỗ trợ công tác điều tra
Dự thảo Nghị định gồm 117 điều, 06 chương, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; điều tra, áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xác định trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nội dung cơ bản bao gồm: các quy định chung và quy định về điều tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp chống bản phá giá, chổng trợ cấp. Sửa đổi và bổ sung quy định mới tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP về các nội dung như: Quy định về hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp; Quy trình xử lý, chọn mẫu doanh nghiệp khi tiến hành điều tra; Quy định về việc ban hành, công bố kết luận điều tra sơ bộ, kết luận điều tra cuối cùng; Quy định về áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước; Quy định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi thực hiện chọn mẫu điều tra.
Các quy định về điểu tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ, gồm sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, về Hồ sơ yêu cầu và tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ; Quy định rõ nội dung đối với hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ; Căn cứ tiến hành điều tra; Quyết định không tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ; Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại; Bản câu hỏi điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Làm rõ việc xác định thế nào là hàng hóa tương tự và thế nào là hàng hóa cạnh tranh trực tiếp.
Dự thảo cũng quy định rõ việc xác định thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, quy định cụ thể về việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam với thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
Về áp dụng biện pháp tự vệ, sửa đổi, bổ sung quy định về: “Danh sách nước kém phát triển, đang phát triển do Cơ quan điều tra xác định dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy” để phù hợp với thực tiễn điều tra và các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp ký kết trong thời gian tới. Bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với quy định về áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan trong trường hợp muốn áp dụng một lượng hạn ngạch thấp hơn bình quân 03 năm gần nhất hoặc phân bổ lượng hạn ngạch cho từng quốc gia không theo thị phần bình quân trong 03 năm gần nhất…